Đánh giá việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế là cần thiết, theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), việc đảo nợ các khoản trái phiếu với lãi suất thấp sẽ mang lại lợi ích cho ngân sách.
Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 diễn ra hôm nay (20/10), đại biểu Trần Hoàng Ngân đã có chia sẻ với phóng viên về bức tranh kinh tế năm 2015 cũng như hoạt động thu chi ngân sách mà Chính phủ đang thực hiện.
- Nhìn vào bức tranh kinh tế những tháng vừa qua, ông đánh giá thế nào về công tác điều hành của Chính phủ?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Có thể thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp nhưng đến thời điểm này chúng ta đã đạt được 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2015, đặc biệt là dấu hiệu phục hồi kinh tế cũng đang rõ nét hơn, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 khả năng sẽ đạt trên 6,5%.
Hơn nữa, các yếu tố về kinh tế vĩ mô cũng ngày càng ổn định hơn, thể hiện ở chỉ số lạm phát (CPI) bình quân 9 tháng chỉ tăng 0,74 so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp, song Chính phủ khẳng định không có biểu hiện giảm phát.
Ngoài ra, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9,1%, cao hơn nhiều so với các năm trước.
Thêm vào đó, cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện, góp phần tăng trưởng ngoại hối. Cộng với tình hình về tỷ giá được điều hành, kiểm soát một cách linh hoạt, qua đó góp phần kéo giảm được lãi suất trên thị trường. Ngoài ra, đánh giá ở tầm vĩ mô cũng ghi nhận các hoạt động về xã hội, nâng cao đời sống người dân cũng được chú ý.
Với thành công của năm 2015, chúng ta đã đưa ra phương hướng kế hoạch 2016, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn năm 2015, lên mức mức 6,7%. Cùng với đó là kéo giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 xuống còn 4,95% (thay vì ở mức 5% GDP như năm 2015).
Ở góc độ cá nhân, tôi đánh giá rất cao về tình hình thực hiện ngân sách trong năm 2015 trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới đã giảm rất sâu từ mức 100 USD/thùng xuống chỉ còn khoảng 50 USD/thùng như thời điểm hiện nay điều này đã làm hụt thu nguồn thu dầu thô lên tới 32.000 tỷ đồng. Như vậy là đã có sự tập trung tất cả nguồn thu và kiểm soát các nguồn chi một cách chặt chẽ.
Hơn nữa về chỉ số ICOR (chỉ số hiệu quả trong đầu tư công) cho thấy đã có sự cải thiện đáng kể bởi tổng vốn đầu tư xã hội năm 2015 chỉ ở mức khoảng 30%, tức là hệ số ICOR chỉ ở mức 5 so với trước đây lên tới 6,5 thậm chí là 8.
Điều này cũng cho thấy quá trình tái cơ cấu của chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.
Một mặt chúng ta đã giảm được nợ xấu và từ đó nó làm tăng được lưu thông tiền tệ, tín dụng. Ngoài ra, dư nợ tín dụng đã tăng trở lại do đó giúp vốn đầu tư tăng lên, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.
- Ông đánh giá thế nào về việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế để cơ cấu lại nợ?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Năm 2015, các khoản trái phiếu đến hạn vào khoảng 125.000 tỷ đồng và chúng ta đã phát hành trái phiếu đảo nợ khoản này. Còn năm 2016 khoản trái phiếu sẽ tiếp tục phát hành đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng.
Việc chúng ta đảo nợ là chuyện bình thường vì trong tình huống ngân sách Nhà nước năm nào cũng bội chi nhưng các khoản đảo nợ ngày càng giảm và chúng ta có một lợi thế là việc đảo nợ các khoản trái phiếu (trước đây lãi suất trái phiếu rất cao, giờ đảo nợ với lãi suất thấp) như vậy sẽ mang lại lợi ích cho ngân sách.
Một điểm khác nữa là khoản nợ công dự kiến năm 2015 khoảng 64% GDP nhưng đến nay mặc dù tình hình ngân sách nhà nước khó khăn nhưng chúng ta vẫn giữ được nợ công ở mức 61,3%. Hay nợ nước ngoài dự kiến vào khoảng 42% GDP thì đến nay chỉ còn khoảng 41,5%.
Tất cả các yếu tố trên cho thấy nền kinh tế đã có sự cải thiện nhất định và khi đã có luật đầu tư công cộng với quá trình tái cơ cấu thì nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả nhất định.
- Vậy theo ông việc phát hành trái phiếu là cần thiết?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Có thể thấy, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển của Việt Nam rất lớn thì việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế là cần thiết. Vấn đề hiện nay của chúng ta là sử dụng nguồn vốn như thế nào để phát huy được hiệu quả để có nguồn thu tăng thêm cho tương lai. Một vấn đề nữa là nợ nước ngoài thì đến thời điểm này dư nợ nước ngoài đang có xu hướng giảm so với tỷ trọng GDP.
Ngoài ra, theo kế hoạch chúng ta sẽ bán, thoái vốn, tức là bán cổ phần ở một số doanh nghiệp nhà nước khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó sẽ giành 10.000 tỷ đồng bù đắp vào tổng ngân sách nhà nước năm 2015 và 30.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển của năm 2016. Đấy là những kế hoạch mà chúng ta sẽ thực hiện trong năm 2016 về khoản 40.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
- Xin cảm ơn ông./.