Nhu cầu dịch vụ, các mặt hàng hóa phục vụ thị trường Tết tăng cao

Càng sát tới ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu về các loại dịch vụ, mặt hàng phục vụ thị trường càng tăng cao, nhất là những mặt hàng mang ý nghĩa biểu tượng, tâm linh.
Không khí tết đã đến rất gần trên phố Hàng Mã. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Không khí tết đã đến rất gần trên phố Hàng Mã. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Càng sát tới ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu về các loại dịch vụ, mặt hàng phục vụ thị trường càng tăng cao, nhất là những mặt hàng mang ý nghĩa biểu tượng, tâm linh đối với khách hàng Việt trong mỗi dịp Xuân về.

Nhu cầu gà trống thiến tăng cao

Thời điểm này các hộ nuôi gà trống thiến tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết.

Theo quan niệm dân gian, gà trống thiến là loại vật linh thiêng được dùng để dâng cúng tổ tiên vào những dịp lễ, Tết. Đây được xem là món ăn cổ truyền của dân tộc và được rất nhiều người dân ưa chuộng. Nhiều hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ cho biết, thay vì nuôi gà thịt thông thường, nhiều hộ đã lựa chọn nuôi gà trống thiến để cung cấp ra thị trường do lợi nhuận cao và nhu cầu thị trường lớn.

Bà Tạ Thị Thanh Phước, hộ nuôi gà trống thiến xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ cho biết, để nuôi được một lứa gà trống thiến mất khoảng 7-8 tháng, tuy nhiên, số kg mỗi con và giá bán thường cao gấp đôi, gấp ba so với gà thịt thông thường. Hiện nay, giá bán gà trống thiến tại vười khoảng 120.000 đồng/kg trong khi gia bán gà thịt thường chỉ có giá 60.000 đồng/kg.

“Gà trống thiến thường có kích thước gấp 3-4 lần so với gà bình thường, thịt mềm nhưng săn chắc và ngọt, da dày, giòn, không nhão thịt như gà tây, khi luộc gà ngả màu vàng óng nhìn rất đẹp mắt. Do đó, vào mỗi dịp lễ, Tết gà trống thiến thường được người dùng ưa chuộng và hút hàng hơn gà bình thường,” bà Tạ Thị Thanh Phước cho hay.

Nhu cầu dịch vụ, các mặt hàng hóa phục vụ thị trường Tết tăng cao ảnh 1Khách hàng, mua sắm tại siêu thị Saigon Co.op Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Là hộ có kinh nghiệm nuôi gà trống thiến lâu năm, ông Trần Quang Hương, xã Xuân Tây huyện Cẩm Mỹ cho biết, năm nay ông chuẩn bị hơn 2.000 con gà trống thiến để phục vụ thị trường Tết. Còn 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, nhưng đến thời điểm này số gà của ông đã được đặt hàng gần hết, chủ yếu là được các thương lái từ Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh về mua. Mỗi đợt nuôi gà trống thiến, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu lời trên 150 triệu đồng.

“Nuôi gà trống thiến chủ yếu cực nhất là những ngày đầu, khi gà mới bắt đầu thiến, khi đó sức đề kháng của gà còn yếu nên buộc người nuôi phải theo dõi, chăm sóc thật kỹ. Nhưng đến khi gà ổn định thì ăn rất khỏe, sức đề kháng cao, thức ăn chủ yếu là ngô và gà tăng trọng rất nhanh,” ông Trần Quang Hương chia sẻ.

Các hộ chăn nuôi gà cho biết, một nguyên nhân nữa khiến gà trống thiến rất hút hàng trong dịp này là do Đồng Nai là địa phương tập trung đông đồng bào người Hoa. Đặc biệt, dịp gần Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt gà trống thiến trong các đám cưới, đám hỏi của người Hoa rất lớn nên lượng tiêu thụ gà trống thiến luôn ở mức cao.

Lãnh đạo xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ cho biết, những năm gần đây, nguồn cung gà thịt ra thị trường ngày càng nhiều khiến giá gà giảm sâu. Nhiều hộ dân đã phải cắt lỗ bằng cách chỉ bán gà mái còn gà trống để lại thiến để chờ giá và phục vụ thị trường Tết. Do đó, số lượng gà trống thiến cung cấp ra thị trường tăng dần qua các năm.

Theo bà Lê Thị Phương Quỳnh, Phó Chủ tịch xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, năm nay do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ gia đình không có điều kiện tái đàn nên đã chuyển qua nuôi gà dẫn đến giá gà xuống thấp. Trong khi đó, đối với những hộ lựa chọn nuôi gà trống thiến, dù thời gian nuôi nhiều hơn nhưng mức giá vẫn ổn định từ 120.000-150.000 đồng/kg, cao gấp đôi gà thường nên ít gặp rủi ro về vấn đề giá cả, đầu ra thường được thương lái đặt hàng trước thời điểm tết khoảng nửa tháng.

Sôi động dịch vụ thuê đào Tết

Còn hơn 10 ngày nữa là Tết Nguyên đán, những ngày này nhiều nhà vườn trồng đào ở huyện Gia Lộc, thành phố Hải Dương tấp nập đón khách đến đặt thuê đào với giá hàng triệu đồng/cây.

Những ngày cận Tết, vườn đào của anh Trịnh Văn Thanh (38 tuổi) ở xã Thạch Khôi, huyện Gia Lộc, thành phố Hải Dương tấp nập khách ra, vào. Vừa đón khách đến xem, đặt mua, thuê đào, anh Thanh vừa thoăn thoắt bứt chồi lá để đào sai nụ, ra hoa đều, đẹp. Vườn nhà anh có 500 gốc đào; trong đó, hơn 1 nửa gốc đào lớn nhỏ đang nhú búp và nở hoa được khách hàng gửi để thuê anh chăm sóc. Nhiều gốc đã được khách đến đặt thuê với giá từ 2 đến 10 triệu đồng tùy theo dáng, thế của cây.

Nhu cầu dịch vụ, các mặt hàng hóa phục vụ thị trường Tết tăng cao ảnh 2Khách chọn mua hoa, cây cảnh chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Anh Thanh cho biết, thay vì bán hẳn cho khách, khoảng vài năm gần đây gia đình ông mở dịch vụ cho thuê đào trong dịp Tết. Hơn 100 cây đào trong vườn đã được khách thuê từ 1 tháng trước. Mỗi gốc đào cho thuê thấp nhất 2 triệu, cao nhất tầm 10 triệu đồng.

Bén duyên với nghề trồng đào Tết 15 năm, anh Thanh nói, năm nay thời tiết thay đổi, trước Tết thời tiết ấm, nên hoa bị bung nụ cũng nhiều, trong khi mọi năm đến khoảng ngoài 23 tháng Chạp hoa mới bắt đầu nở và rộ trong những ngày Tết. Dó đó, tôi phải mất nhiều công chăm sóc hơn.

Tại vườn đào của anh Lê Văn Hai (40 tuổi) cách đó không xa, hàng trăm cây đào cũng đã có khách thuê. Theo anh Hai, cả vườn có tổng 600 gốc đào, đến nay ngoài 400 gốc đã bán, gần 100 gốc đã được đặt thuê với giá từ 2 đến 8 triệu đồng.

Anh Hai chia sẻ, các năm trước đến 15 tháng Chạp đào đã được các thương lái đặt hết, năm nay thương lái đặt đào từ đầu tháng 12 âm lịch. Cơ quan, doanh nghiệp, cửa hàng thì đặt những gốc to, nhiều nụ để chưng trong mấy ngày Tết.

Theo anh Hải, từ thời điểm khách đến đặt thuê đào, người trồng đào phải chăm sóc, bảo đảm đến khi giao hàng cho khách (khoảng 23 tháng Chạp), nụ đào to đều, nở đẹp, hoa nở từ 20-30% thì mới đạt tiêu chuẩn. Sau đó, tầm mùng 6 Tết trở ra, các vườn lại thu gốc về để tiếp tục chăm sóc cho vụ sau.

Chị Nguyễn Thu Hằng ở phường Tân Dân, thành phố Chí Linh cho biết, năm nào cũng vậy, tầm đầu tháng 12 âm lịch, chị tranh thủ thời gian đi đặt đào cho cơ quan. Mặc dù những năm gần đây có rất nhiều hoa, cây cảnh được bán phục vụ nhu cầu trưng bày trong những ngày Tết, tuy nhiên đào vẫn luôn là lựa chọn số một, vì thấy đào là thấy Tết. Do thời tiết thay đổi bất thường nên để có hoa nở đúng vào dịp Tết, hàng ngày, người trồng đào phải tỉ mỉ chăm sóc từng gốc đào một, từ bón phân, tưới nước, tỉa lá.

Anh Hai chia sẻ, trồng đào thì quanh năm phải chăm sóc, vất vả, nhưng bù lại những ngày này, những hộ trồng đào đều vui mừng, phấn khởi vì khách, thương lái ra vào tấp nập. Mỗi vụ đào, nhà nào trồng ít thì thu lãi vài chục triệu, nhà trồng nhiều thì thu lãi hàng trăm triệu đồng, giúp người trồng đào có một cái Tết đủ đầy, chuẩn bị cho một năm mới nhiều niềm vui./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục