Nhu cầu thế giới tăng, cơ hội rộng mở với doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước xuất khẩu 4,57 triệu tấn gạo, thu về gần 2,42 tỷ USD, giá trung bình đạt 529 USD/tấn, giảm 8,3% về khối lượng, giảm 1,2% về kim ngạch, nhưng giá tăng tới 7,8%.
Nhu cầu thế giới tăng, cơ hội rộng mở với doanh nghiệp xuất khẩu gạo ảnh 1Bốc xếp gạo xuất khẩu tại tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Việc nới lỏng các quy định giãn cách, cùng với nhu cầu mặt hàng gạo trên thế giới tăng cao được nhận định sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài tăng 3 tháng liên tiếp, tháng 9 tăng 19% về lượng, tăng 20,5% về kim ngạch và tăng 1,3% về giá so với tháng 8/2021.

So với tháng 9/2020 cũng tăng mạnh 54,5% về lượng, tăng 50% kim ngạch nhưng giá giảm 2,8%, đạt 593.624 tấn, tương đương 293,15 triệu USD, giá trung bình 493,8 USD/tấn.

Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước xuất khẩu 4,57 triệu tấn gạo, thu về gần 2,42 tỷ USD, giá trung bình đạt 529 USD/tấn, giảm 8,3% về khối lượng, giảm 1,2% về kim ngạch, nhưng giá tăng tới 7,8%.

Xuất khẩu sụt giảm trong 9 tháng được cho là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gây ra những khó khăn trong việc thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ sớm được khôi phục trở lại.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo, khi nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan được dự báo sẽ giảm. Trong khi đó, nhu cầu gạo trên thế giới đang gia tăng.

Bên cạnh đó, theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 8/2020 đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong nước trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu.

Ngoài ra, nhu cầu lương thực thực phẩm thế giới kỳ vọng sẽ phục hồi. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo tiêu thụ gạo toàn thế giới mùa vụ 2021-2022 đạt 512,3 triệu đơn vị, tăng 1,8% so với cùng kỳ.

[Nhãn hiệu Gạo Việt Nam được bảo hộ tại 22 quốc gia trên thế giới]

Đây là tín hiệu tích cực cho tiêu thụ gạo thị trường thế giới. Giá gạo trên thế giới đã có sự phục hồi giai đoạn tháng 9-10/2021 do nhu cầu thế giới tăng trở lại trong khi nguồn cung có phần hạn chế.

Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương (VITIC) cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu gạo trong nước từ vụ Thu Đông tăng nhẹ, nhưng điều này không ảnh hưởng đến giá xuất khẩu.

Thực tế, việc tăng xuất khẩu gạo đang tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhờ giá bán cao hơn.

Đơn cử quý 3/2021, Công ty cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) có lợi nhuận theo quý cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội(HNX) vào năm 2019.

Cụ thể, lợi nhuận quý 3của doanh nghiệp đạt 40 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và tăng gấp đôi so với quý 2/2021. Lợi nhuận tăng mạnh, trong bối cảnh doanh thu ước đạt 500 tỷ, giảm 8% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của doanh nghiệp thì việc doanh thu giảm nhưng lợi nhuận tăng mạnh vì doanh nghiệp đã chuyển chiến lược tập trung xuất khẩu dòng gạo sạch cao cấp có giá xuất khẩu cao hơn.

Phía công ty cũng rất kỳ vọng vào sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới. Ban lãnh đạo công ty tự tin khi dịch bệnh được kiểm soát cơ bản, doanh nghiệp sẽ có cơ hội hoàn thành, thậm chí vượt mức kế hoạch kinh doanh đã được thông qua tại Đại hội cổ đông.

Cùng với chiến lược tập trung xuất khẩu, trong thời gian tới, doanh nghiệp cho biết sẽ tham gia đấu thầu nhiều gói thầu xuất khẩu có giá trị lớn sang thị trường châu Á như: Malaysia, Philippines, Hàn Quốc…

Đối với thị trường châu Âu, từ tháng 6/2021, doanh nghiệp đã mở văn phòng đại diện tại Hamburg (Đức) để các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu tiếp cận sản phẩm được thuận tiện hơn. Công ty cho biết, nhờ mở văn phòng đại diện tại Đức, lượng khách hàng ở châu Âu đến mua sản phẩm đã tăng khá nhiều.

Nhu cầu thế giới tăng, cơ hội rộng mở với doanh nghiệp xuất khẩu gạo ảnh 2Công nhân lao động bốc xếp gạo tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xuất nhập khẩu-kinh doanh tổng hợp Mỹ Linh. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG), doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2021 đạt 14.155 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng; lần lượt tăng 87% và 8% so với năm trước.

Thực tế nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp có doanh thu 5.122 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; lãi sau thuế 231 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Doanh thu lương thực - gạo đạt 2.345 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm 2020 và trở thành mảng đóng góp doanh thu lớn nhất

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021, nhưng giới phân tích dự báo doanh thu của công ty sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý 3/2021 và tăng mạnh trong quý 4, khi vụ Đông Xuân bắt đầu, vì đây là mùa vụ lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Nhờ những kỳ vọng đối với các doanh nghiệp ngành gạo, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu cũng được đà tăng mạnh. Theo đó chốt phiên giao dịch 19/10, LTG có giá 42.700 đồng/cổ phiếu, tăng gần 53,6% so với phiên giao dịch cuối năm trước 31/12/2020.

AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang có giá 36.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 19/10), tăng hơn 182,3% so với giá cuối năm 2020. Đặc biệt, TAR của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng tới gần 83% chỉ trong thời gian từ cuối tháng 7 đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.