Nhu cầu vàng của Ấn Độ có thể chạm mức thấp nhất trong 26 năm

Nhu cầu vàng suy giảm tại Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, có thể làm hạn chế đà tăng của giá vàng trên thế giới, sau khi chạm mức cao kỷ lục hồi đầu tháng này.
Nhu cầu vàng của Ấn Độ có thể chạm mức thấp nhất trong 26 năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ngày 30/7 cho hay nhu cầu vàng của Ấn Độ trong năm 2020 dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm, khi giá vàng trong nước chạm mức cao kỷ lục và do thu nhập sau thuế giảm có thể làm hạn chế hoạt động mua lẻ.

Nhu cầu vàng suy giảm tại Ấn Độ - nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới - có thể làm hạn chế đà tăng của giá vàng trên thế giới, sau khi chạm mức cao kỷ lục hồi đầu tháng này, mặc dù điều này cũng có thể giúp giảm thâm hụt thương mại của Ấn Độ và hỗ trợ đồng nội tệ rupee đang suy yếu.

[Vàng - kênh đầu tư "hot" nhất trong thời khủng hoảng]

Ông Somasundaram PR, Giám đốc điều hành của WGC, nhận định giá vàng tăng nhanh có thể đóng vai trò là cơn gió ngược. Giá vàng trong nước đã tăng 35% từ đầu năm đến nay sau khi tăng 25% trong năm 2019.

Tiêu thụ vàng của Ấn Độ trong nửa đầu năm 2020 đã giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019 xuống 165,6 tấn.

WGC cho hay việc áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan cũng khiến nhu cầu giảm 70% trong quý 2/2020 xuống còn 63,7 tấn - mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Hàng triệu người dân Ấn Độ đã mất việc làm hoặc bị cắt giảm lương sau khi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ông Somasundaram cho hay nhu cầu vàng yếu kém trong nửa đầu năm 2020 có thể kéo mức tiêu thụ vàng của Ấn Độ trong năm 2020 xuống mức thấp nhất kể từ năm 1994, khi nhu cầu ở mức 415 tấn, và khó có thể đưa ra ước tính về nhu cầu cả năm do cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.