Nhức nhối nạn chặt phá rừng trồng nguyên liệu giấy ở Bình Định

Thời gian gần đây, do giá cây nguyên liệu giấy (cây keo) tăng cao, làm tình trạng người dân chặt phá rừng càng thêm nhức nhối tại Bình Định.
Nhức nhối nạn chặt phá rừng trồng nguyên liệu giấy ở Bình Định ảnh 1Những cây keo giống vừa được trồng trên các khu rừng bị đốt phá, lấn chiếm trái phép. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Thời gian gần đây, do giá cây nguyên liệu giấy (cây keo) tăng cao, làm tình trạng người dân chặt phá rừng càng thêm nhức nhối tại Bình Định.

Huyện miền núi An Lão hiện là “điểm nóng” về nạn chặt phá rừng trồng cây nguyên liệu giấy của tỉnh Bình Định. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 130 vụ phá rừng trái pháp luật, tổng diện tích rừng thiệt hại lên tới hơn 129ha; trong đó, riêng tại xã An Vinh xảy ra 14 vụ chặt phá rừng với tổng diện tích hơn 19ha, hiện chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Ông Đinh Văn Cung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Vinh, thừa nhận trước đây xuất hiện các vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng sắn đã được xử lý, nhưng hiện nay các vụ lấn chiếm đất trồng cây keo tăng nhanh và nhiều, rất khó xử lý. Tồn tại nhiều vụ vi phạm kéo dài năm này qua năm khác, xử lý không kịp thời, không truy ra được đối tượng vi phạm.

Trước hoạt động phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp đang diễn biến phức tạp trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện An Lão, vừa qua, Ủy ban Nhân dân huyện An Lão đã quyết định thành lập 10 tổ công tác chuyên biệt thực hiện tuần tra, truy quét và xử lý vấn nạn trên.

Lực lượng tham gia tổ công tác gồm Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, Ban quản lý rừng đặc dụng an toàn, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn cùng cán bộ địa chính, lâm nghiệp, công an, Ban Chỉ huy Quân sự và lực lượng dân quân cơ động đang công tác tại 10 xã, thị trấn trong huyện.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện An Lão, cho biết huyện đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế, nhổ bỏ cây trồng trái phép trên đất lâm nghiệp, rừng phòng hộ. Nhưng do không xác định được đối tượng phá rừng nên rất khó xử lý các cá nhân vi phạm. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh kiểm tra, xử lý hợp lý, đúng người đúng tội để nhân dân nhận thức được các hành vi sai trái này.

Tại huyện ven biển Hoài Nhơn, tuy không nhức nhối bằng huyện An Lão nhưng tình trạng chặt phá rừng trồng keo vẫn diễn ra dai dẳng. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn, toàn huyện đã xảy ra 26 vụ phá rừng trái phép với gần 39ha. Các cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 20 vụ phá rừng, xử lý hình sự 2 vụ, chuyển hồ sơ cho Công an điều tra, xem xét xử lý 4 vụ.

Theo ông Nguyễn Hồng Tấn, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn, hiện nay lợi nhuận từ cây keo rất cao, nhu cầu đất trồng keo ngày càng lớn đã kích thích các đối tượng lén lút khai thác, phá rừng lấy đất sản xuất, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Lực lượng kiểm lâm thì mỏng, trong khi các vụ việc phá rừng thường diễn ra ở vùng sâu, vùng xa nên công tác quản lý rất khó khăn.

Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm sẽ tham mưu cho địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục