Những ngày qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mô hình bếp ăn đang ngày đêm "nổi lửa," nấu những món ăn nghĩa tình, tiếp thêm sức mạnh cho tuyến đầu chống dịch, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng.
Trao hy vọng cho những người khó khăn
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, bếp ăn của chị Châu Nguyễn Thanh Hằng và các tình nguyện viên của Nhóm từ thiện Hoa Tâm (quận 4) đã chung tay đóng góp kinh phí, nấu các suất ăn hỗ trợ cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng chung mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn giữa mùa dịch COVID-19, hơn một tháng nay, bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh (quận 1) cho ra gần 80.000 phần ăn phục vụ cho các khu phong tỏa, cách ly, đơn vị y tế.
Sắp tới, từ 4.000 suất/ngày, Trung tâm dự kiến sẽ tăng lên mức 7.000 suất/ngày để đáp ứng nhu cầu tăng cao, đồng thời phân phát các nguyên liệu tươi sống để hộ gia đình tự chế biến thức ăn.
Nhiều bếp ăn do các nghệ sỹ khởi xướng đã được thành lập, hỗ trợ hàng nghìn suất ăn cho người dân đang gặp khó khăn. Trong số đó, “Bếp ăn Thương Sài Gòn” là bếp cơm do Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cùng sự đồng hành của nhiều nghệ sỹ, tình nguyện viên, các nhà hảo tâm.
Theo Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày, bếp nấu khoảng hơn 1.000 phần cơm để gửi đến các bệnh nhân tại một số bệnh viện, nhân viên y tế, người dân tại khu cách ly và những người lao động đang gặp khó khăn...
“Bếp ăn Thương Sài Gòn” có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ. Nghệ sỹ ưu tú Lê Tứ làm công việc vận chuyển rau củ từ gian bếp đến những bếp ăn khác trên địa bàn thành phố. Nghệ sỹ Đại Nghĩa tích cực kêu gọi cộng đồng, quyên góp hàng tấn rau củ, đồ hộp gửi đến bếp...
Chung tay chia sẻ với người lao động nghèo, người dân khó khăn trong các khu vực bị phong tỏa do dịch bệnh, nghệ sỹ Hữu Quốc, nhà thiết kế Phương Hồ cùng nhiều diễn viên, ca sỹ cũng góp sức mở một bếp ăn trong những ngày Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách theo Chỉ thị 16.
Về hoạt động của bếp ăn, sau vài ngày tổ chức thực hiện, nghệ sỹ Hữu Quốc cho biết các suất ăn đã tăng số lượng so với dự kiến ban đầu vì được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, lượng nhân sự tại bếp không đủ nên không thể giúp nhiều người có được bữa ăn no.
[Dàn Hoa hậu tự tay làm 15.000 suất cơm tặng bà con nghèo chống dịch]
Hiện “Gian bếp 0 đồng” của nghệ sỹ Hữu Quốc phát 1.000 phần cơm chiều (ban đầu dự định 500 phần) vào thứ Tư hàng tuần và 1.500 phần bánh mỳ hoặc cơm (tăng gấp 3 so với dự kiến) vào Chủ nhật.
Không chỉ có gian bếp của nghệ sỹ Hữu Quốc mà một số bếp ăn từ thiện khác cũng hoạt động tất bật trong những ngày qua. Bếp ăn do Câu lạc bộ Suối mát từ tâm và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với sự tham gia của Hoa hậu Tiểu Vy, Á hậu Kiều Loan, Phương Anh, Ngọc Thảo chung tay, góp sức... đã phát hơn 1.500 suất ăn vào trưa và chiều mỗi ngày. Bếp ăn này tập trung hỗ trợ các nhân viên y tế, lực lượng làm nhiệm vụ truy vết các trường hợp F1, F0, người dân tại các điểm cách ly, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ bữa cơm cho xe ôm công nghệ...
Từ thiện để sẻ chia yêu thương
Trong đợt dịch này, lúc đầu, Nhóm từ thiện Hoa Tâm nấu khoảng 500 phần ăn/ngày, đến nay đã tăng lên khoảng 1.200 phần. Những bữa ăn được các tình nguyện viên chăm chút từng công đoạn từ nấu nướng, đóng gói bao bì cho đến khi chuyển tận tay người dân ở một số khu cách ly, những người lao động tự do đang gặp khó khăn.
Chị Châu Nguyễn Thanh Hằng, thành viên của Nhóm từ thiện Hoa Tâm, cho biết khi thấy nhóm làm việc ý nghĩa, nhiều người đã góp thêm kinh phí để mở rộng quy mô bếp ăn. Người có tiền góp tiền, người có gạo góp gạo, người có thịt góp thịt, người có sức góp sức, cứ thế các phần ăn ngày càng tăng lên. Số lượng người tham gia cũng càng tăng, ngoài tình nguyện viên trong nhóm thiện nguyện còn có các bạn đoàn viên, thanh niên trong địa bàn quận đến hỗ trợ. Đó là điều kiện để nhóm có thể giúp đỡ thêm nhiều người hơn.
Để có 1.200 suất ăn mỗi ngày, các tình nguyện viên phải chuẩn bị, nấu nướng liên tục từ sáng đến chiều. Ai cũng mong muốn góp chút công sức bé nhỏ của mình để chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Vì các chợ đầu mối hiện tại đã tạm ngưng, việc tìm nguồn thực phẩm có phần khó khăn nên từ những phần rau, củ, quả nhận được từ các nhà hảo tâm, nghệ sỹ Hữu Quốc thường chọn món ăn phù hợp với nguyên liệu đó để tiết kiệm chi phí tối đa nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Những hôm không có nguồn hỗ trợ, anh thường góp thêm kinh phí mua thực phẩm để bếp ăn duy trì “đỏ lửa."
"Mong rằng mô hình bếp ăn từ thiện sẻ chia yêu thương của tôi sẽ cùng Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm vượt qua đại dịch, sẽ là một tia nắng nhỏ nhoi cùng với cả triệu tia nắng hồng mang niềm tin cho thành phố tưng bừng, khí thế trở lại," nghệ sỹ Hữu Quốc nói.
Tương tự, theo anh Võ Quốc Bình, Trưởng Phòng Kết nối tình nguyện, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng tình nguyện viên tham gia chế biến 4.000 suất ăn/ngày dao động từ 25 đến 30 bạn.
Mỗi ngày, các tình nguyện viên thay nhau làm các công việc như bắc bếp, rửa rau củ, hấp cơm, nấu thức ăn, sau đó chia thành các phần ăn. 50 phần ăn được gom thành một túi, chờ các đơn vị đến nhận.
Bếp ăn cung cấp suất ăn cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Trưng Vương, các khu phong tỏa, cách ly, các mái ấm, ký túc xá... ở nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố như quận 10, quận 8, quận Bình Thạnh, Tân Phú và Bình Tân... Riêng các suất ăn tại Bệnh viện Trưng Vương được làm để cung cấp cho các bệnh nhi mắc COVID-19.
Tham gia công tác tình nguyện tại Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, bạn Huỳnh Thị Hương - sinh viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ đôi khi, các tình nguyện viên lên giường ngủ vào 5 giờ sáng khi hoàn thành hết công việc và thức dậy sau đó một tiếng để tiếp tục làm.
Dù mệt mỏi nhưng ai cũng vui vẻ, hạnh phúc vì đã góp phần nào công sức nhỏ bé, mang tình yêu thương, sự sẻ chia của mọi người đến với những người khó khăn qua những phần ăn nóng hổi, đầy ắp nghĩa tình./.