Những con số “biết nói” trong quá trình giảm nghèo bền vững ở Việt Nam

Những năm gần đây, dù gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với trước, với 21% ngân sách Nhà nước, cao nhất trong ASEAN.
Những con số “biết nói” trong quá trình giảm nghèo bền vững ở Việt Nam ảnh 1Người dân chăm sóc cây ngô. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Xóa đói, giảm nghèo là quyết tâm của Việt Nam suốt chặng đường gần 80 năm qua, đặc biệt là trong 36 năm đất nước thực hiện đổi mới.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn đặt giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ luôn dành nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo và các chương trình giảm nghèo.

Giảm nghèo không chỉ nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành mà trở thành mục tiêu, khát vọng vươn lên của toàn xã hội.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Những ngày này, anh Hồ Khưa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đang tập trung chăm sóc hơn 500 gốc chuối Mật mốc để chuẩn bị đưa ra thị trường. Trong vườn đều là những cây chuối cho quả to, đẹp và sáng màu.

Theo anh nông dân người Pa Cô-Vân Kiều này, cây chuối Mật mốc đang là cây trồng chủ lực, là mô hình xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho 800 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu ở Thanh - xã biên giới nơi đại ngàn Trường Sơn.

“Hai năm gần đây, mặc dù xuất khẩu ra nước ngoài có thời điểm tạm ngưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng hộ chúng tôi vẫn thu về hàng trăm triệu đồng/năm,” Hồ Khưa chia sẻ.

[Việt Nam luôn nỗ lực nâng cao lợi ích của người dân, các nhóm yếu thế] 

Hồ Khưa cũng cho hay nhà anh là hộ đầu tiên của xã Thanh đưa cây cao su vào trồng thí điểm theo chủ trương của huyện. Vườn cao su với hơn 2ha của gia đình Hồ Khưa đã cho thu hoạch mủ. Mới đây, anh trồng tiếp 5 sào cây cà gai leo-một loại cây dược liệu có đầu ra ổn định, cho thu nhập khá. Trang trại tổng hợp của gia đình anh đang trở thành mô hình mẫu để bà con người dân tộc thiểu số trong vùng đến học tập kinh nghiệm.

Từ trang trại kinh tế tổng hợp của Hồ Khưa, xuyên qua những cánh rừng già, tới từng bản làng trên dãy Trường Sơn, nhận thấy những bước tiến quan trọng trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của chính quyền cũng như người dân nơi đây.

Dù vẫn còn những bộn bề khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo ở Hướng Hóa vẫn còn 29,69%; mới có 5/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới…, song dọc hai bên đường Hồ Chí Minh là những trường học cao tầng, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng và trụ sở Ủy ban Nhân dân xã.

Bộ mặt nông thôn mới nơi đây đã dần hình thành. Các thôn, bản đã tổ chức tốt công tác định canh, định cư, phát triển sản xuất, do đó đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên. Riêng huyện Hướng Hóa, tỷ lệ hộ làm ăn khá, giỏi ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân hằng năm từ 2,5-3%, các xã và thôn đặc biệt khó khăn giảm trên 5%/năm.

Không chỉ Hướng Hóa-Quảng Trị, việc đẩy lùi đói nghèo cũng rõ nét tại các vùng miền núi, biên giới trên cả nước, nhất là khu vực phía Bắc. Như tại Sơn La, các chương trình giảm nghèo đang góp phần “thay da đổi thịt” tại tỉnh này.

Tỉnh miền núi, biên giới này đã trở thành “hiện tượng nông nghiệp,” trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả lớn nhất vùng Tây Bắc. Hoạt động sản xuất nông nghiệp khởi sắc không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người nông dân, mà còn khẳng định việc chú trọng phát triển nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn, hiệu quả của địa phương.

Những con số “biết nói” trong quá trình giảm nghèo bền vững ở Việt Nam ảnh 2 Người dân tại huyện Mộc Châu thu hoạch mận hậu. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Điển hình như xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Thay cho một thời chỉ toàn rừng nghèo thưa lá và rừng tái sinh, còn người dân chuyên phát nương làm rẫy, hiện nay, vùng núi non nhiều khe hẹp với độ dốc cao đang là “thủ phủ” mận hậu của huyện Yên Châu, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ về niềm vui xóa đói, giảm nghèo trên vùng núi non này, ông Tráng Lao Khai, Trưởng bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài cho hay: “Cuộc sống của bà con đã no ấm hơn nhiều. Chúng tôi đã học tập được nhiều cái hay, cái mới. Ở đây đã có những người là triệu phú, tỷ phú.”

Sự “thay da đổi thịt” của Quảng Trị hay Sơn La và các địa phương miền núi, biên giới trên cả nước đi đôi với hành trình xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện đồng bộ hàng loạt chủ trương, chiến lược về xóa đói, giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền núi với miền xuôi.

Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc được sự đầu tư từ Trung ương xuống địa phương đã có những thay đổi rõ rệt. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu.

Quyết tâm giảm nghèo đó đã được hiện thực thành những con số “biết nói”. Nếu năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 chỉ còn 2,75%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Đánh giá về những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, UNDP tại Việt Nam cho rằng, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua. Như nhận định của ông Johnathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam: "Việt Nam vẫn là nước đi đầu trong khu vực về xóa đói, giảm nghèo."

Giải quyết triệt để các vùng lõi nghèo

Dù có nhiều thành tựu, song thực tế cũng cho thấy kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.

Những con số “biết nói” trong quá trình giảm nghèo bền vững ở Việt Nam ảnh 3Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, còn hiện tượng trục lợi, tư lợi chính sách giảm nghèo. Như năm 2020, trong quá trình chi trả tiền cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tại tỉnh Thanh Hóa đã có điều tiếng về việc nhiều lãnh đạo xã có người thân nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều gia đình có điều kiện đi ôtô, ở nhà lầu nhưng vẫn "lọt" vào danh sách hộ cận nghèo. Tại 2 xã Quý Hòa và Tân Lập của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có 12 cán bộ, đảng viên "lọt" danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng…

Trước tình hình trên, để đáp ứng nguyện vọng thoát nghèo của các "vùng lõi nghèo" trên toàn quốc, Đảng, Nhà nước đang đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, dù gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước. 21% ngân sách Nhà nước đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội, đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN.

Đặc biệt, trước bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội, gây nguy cơ nghèo và tái nghèo đối với không ít người dân, Chính phủ và Quốc hội đã đưa ra nhiều biện pháp phục hồi an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch. Điển hình là Chính phủ có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó chú trọng tới người nghèo, lao động thiếu việc làm.

Nối sau đó là Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã góp phần quyết định chặn đứng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 83.786 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ trên 727.000 lượt người sử dụng lao động, gần 50,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch.

Quyết tâm chính trị giảm nghèo càng mạnh mẽ hơn nữa khi đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Đặc biệt, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, mới đây, Ban Bí thư đã có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Trong chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục