Những dấu hiệu tích cực của kinh tế Mỹ trong tháng đầu Năm mới

Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng 1 của Mỹ đã ở mức 54,9 điểm, tăng so với 53,8 điểm ghi nhận được trong tháng trước đó, cho thấy sự cải thiện trong thể trạng chung của lĩnh vực sản xuất.
Những dấu hiệu tích cực của kinh tế Mỹ trong tháng đầu Năm mới ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo số liệu công bố ngày 1/2 của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của Mỹ đã cải thiện trong tháng 1/2019 nhờ sản lượng và số đơn hàng mới tăng nhanh hơn.

Cụ thể, chỉ số PMI tháng 1/2019 của Mỹ đã ở mức 54,9 điểm, tăng so với 53,8 điểm ghi nhận được trong tháng trước đó, cho thấy sự cải thiện trong thể trạng chung của lĩnh vực sản xuất.

Số liệu việc làm mới nhất cũng là dấu hiệu tích cực của kinh tế Mỹ. Theo báo cáo công bố ngày 1/2 của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 1/2019 tăng lên 4%, mức cao nhất trong 7 tháng qua do Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong 5 tuần qua, khiến 800.000 nhân viên chính phủ nghỉ việc trong thời gian này.

Tuy nhiên, trong tháng 1 đã có thêm 304.000 việc làm được tạo ra trên thị trường lao động Mỹ, mức cao nhất trong gần 1 năm qua và tăng gấp đôi so với dự đoán của các nhà kinh tế.

Số việc làm trong ngành giải trí và dịch vụ tăng khoảng 74.000 việc làm, với các nhà hàng và quán bar cung cấp thêm 32.000 việc làm trong khi ngành xây dựng tạo thêm 52.000 việc làm và các trung tâm chăm sóc y tế bổ sung 41.000 việc làm mới. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động mạnh mẽ của Mỹ vẫn là nguồn tăng trưởng cơ bản, cho dù kinh tế Mỹ được dự báo sẽ suy giảm trong năm 2019.

[Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Một cao nhất trong 7 tháng qua]

Theo kết quả khảo công bố cuối tháng trước của tờ Wall Street Journal (Mỹ), Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 2,6% trong quý 4/2018 và sẽ chỉ tăng 1,8% trong quý 1 và 2,5% trong quý 2/2019.

Cuộc khảo sát được tiến hành với 50 chuyên gia kinh tế cho thấy tăng trưởng GDP của Mỹ trong 9 tháng tính từ tháng 9/2018 (đến tháng 6/2019) ước đạt 2,3%, một kết quả không quá kém song thấp hơn mức 3% ghi nhận trong tài khóa tính đến tháng 9/2018.

Giới chuyên gia đánh giá sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và Khu vực sử dụng đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, khiến giới doanh nghiệp Mỹ thận trọng hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư, kinh doanh dài hạn.

Trước đó, ngày 29/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhận định kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì mức tăng 3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.