Những di sản đối ngoại và kinh tế của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Với những dấu ấn trong chính sách đối ngoại, giữa bối cảnh thách thức chính trị toàn cầu ngày càng nhiều, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giúp nâng cao vai trò của Đức trên thế giới.
Những di sản đối ngoại và kinh tế của Thủ tướng Đức Angela Merkel ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết mới đây trên trang Deutsche Welle (DW), trong suốt 16 năm làm Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã ghi nhiều dấu ấn trong chính sách đối ngoại của nước này. Giữa bối cảnh thách thức chính trị toàn cầu ngày càng nhiều, vai trò của Đức trên thế giới đã tăng lên đáng kể.

Trước đó, hầu như không ai bên ngoài nước Đức biết bà Angela Merkel là ai khi bà lần đầu tiên trở thành Thủ tướng vào năm 2005. Và khó ai có thể tưởng tượng bà sẽ định hình nền chính trị thế giới đến mức nào.

Tuy nhiên, bà đã nhanh chóng tìm được vị trí của mình cả ở trong và ngoài nước. Ngay từ những ngày đầu, dường như bà đã định hình cách tiếp cận đối với chính sách đối ngoại của mình, thay vì giao việc này cho Ngoại trưởng.

Với tư cách là nước chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G8 (cựu diễn đàn của nhóm 8 cường quốc có nền công nghiệp hàng đầu của thế giới) được tổ chức tại khu nghỉ mát Heiligendamm bên bờ biển Baltic vào năm 2007, bà Merkel đã tự tin đối mặt với các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ quan trọng nhất trên thế giới.

Cũng trong năm 2007, bà Angela Merkel đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ George W. Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Heiligendamm.

Sự mềm mỏng trong vai trò lãnh đạo mới

Thủ tướng Merkel đã phải đối mặt với nhiều giai đoạn khủng hoảng. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Đồng euro, một trong những biểu tượng mạnh nhất của sự thống nhất châu Âu, đã chịu nhiều áp lực. Bà Merkel cảnh báo: “Nếu đồng euro sụp đổ, thì châu Âu cũng sụp đổ theo.”

[Đức: Thủ tướng Merkel huy động sự ủng hộ cho ứng cử viên Laschet]

Dưới sự điều hành của bà, quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất Liên minh châu Âu (EU) đã đảm nhận vai trò lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh Chính phủ Đức vừa buộc phải áp đặt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” vừa thực hiện các biện pháp cải cách, đồng thời cứng rắn đối với các quốc gia mắc nợ.

Song song với các biện pháp trên, Berlin cũng thông qua gói viện trợ mở rộng của châu Âu. Khi đó, trách nhiệm pháp lý của Đức đối với vấn đề nợ của các quốc gia khác ngày càng lớn.

Thực tế cho thấy các nước còn lại trong EU nhìn chung đều chấp nhận vai trò lãnh đạo mới của Đức, lý do là vì cách cư xử tế nhị của bà Merkel. Bà đã kết hợp "văn hóa kiềm chế" với "văn hóa trách nhiệm", đúng như nhận định của nhà nghiên cứu chính trị Johannes Varwick thuộc trường Đại học Halle đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông DW.

Lạnh nhạt và nồng ấm trong quan hệ với các nước

Vai trò ngày càng tăng của Đức cũng tạo ra sự mất cân bằng về quyền lực với Pháp. Tuy nhiên, bà Merkel đã cam kết rõ ràng với đối tác thân cận nhất này và phương tiện truyền thông thậm chí còn phát minh ra từ ghép “Merkozy” bởi sự hợp tác tốt của bà với Tổng thống khi đó là Nicolas Sarkozy.

Các lãnh đạo Pháp, gần đây nhất là Thủ tướng Emmanuel Macron, có thể quyết định một số vấn đề khác nhau liên quan đến việc mở rộng hơn nữa vai trò của EU, ví dụ việc tạo ra một Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Tuy nhiên, vị trí này đã không được thực hiện.

Theo chuyên gia Henning Hoff thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, đây là một "cơ hội bị bỏ lỡ." Nhà nghiên cứu chính trị Varwick, phát biểu với DW rằng đang có một "sự xa lánh ngày càng gia tăng" của Pháp và rằng bà Merkel "không có tầm nhìn xa" về việc làm sâu sắc hơn khu vực EU.

Trong quan hệ với Mỹ, bà Merkel ban đầu là người ủng hộ nhiệt tình cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ. Tuy nhiên, các mối quan hệ này đã “nguội lạnh” dưới nhiệm kỳ của bà, bởi dưới thời Tổng thống Bush và người kế nhiệm Barack Obama, Mỹ ngày càng hướng về châu Á.

Đến thời cựu Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và tỷ phú Donald Trump lại có mâu thuẫn về vấn đề Iran, thương mại, NATO và nhiều vấn đề khác. Sự khác biệt này dường như ngày càng trở nên sâu sắc hơn và thậm chí còn mang tính cá nhân.

Bên cạnh những mối quan hệ “đặc biệt” với Pháp và Mỹ, Thủ tướng Merkel tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại của các chính phủ theo hướng khách quan, tổ chức tốt, không cần thiện chí lớn, thỏa thuận tốt với tất cả các bên nếu có thể, và đặc biệt là luôn hướng tới lợi ích kinh tế toàn cầu của Đức.

Chính sách này đã mang về kết quả. Hoạt động thương mại của Đức, đặc biệt là với Trung Quốc, tăng trưởng mạnh mẽ. Bà Merkel thường xuyên công du Trung Quốc và dường như bị cuốn hút. Chuyên gia Henning Hoff đã nhìn thấy từ bà một “sự ngưỡng mộ về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc mà không phải là kinh ngạc.”

Những “đám mây đen”

Trong suốt 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Merkel, tình hình chính trị toàn cầu đã có nhiều thay đổi. Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, người Anh đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 để rời EU và ngay sau đó, tỷ phú Mỹ Donald Trump trở thành Tổng thống, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" và “quay lưng” với chủ nghĩa đa phương.

Với quan điểm này của Mỹ, bà Merkel bày tỏ thất vọng và tuyên bố: "Thời kỳ mà chúng ta có thể dựa vào người khác ở một mức độ nào đó đã qua."

Theo chuyên gia phân tích Hoff, bà Merkel có "khả năng phi thường trong việc giữ châu Âu và phương Tây xích lại gần nhau” và khả năng này đã được chứng minh khi bà bảo vệ thành công dự án khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Đức-Nga, vốn bị Mỹ và các nước phía Đông EU phản đối.

Cuối cùng, cũng là điều khiến bà Merkel nổi tiếng hơn trên toàn thế giới đó là quyết định mở cửa biên giới nước Đức cho hàng trăm nghìn người tỵ nạn và di cư trong giai đoạn tháng 8, 9/2015. Bà được Tạp chí Time bình chọn là "Nhân vật của năm", được mệnh danh là "Thủ tướng của thế giới tự do."

Những quốc gia khác, đặc biệt là các nước Đông Âu, lại bực dọc với bà vì đã cố gắng áp đặt chính sách tỵ nạn “hào phóng” cho toàn bộ EU. Kể từ đó, chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu đã gia tăng đáng kể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.