Bức tranh kinh tế châu Âu đã có những điểm sáng sau một năm 2014 khá ảm đạm.
Số liệu do Cơ quan Thống kê quốc gia Tây Ban Nha (Ine) công bố ngày 26/2 cho thấy nền kinh tế nước này đạt tăng trưởng 1,4% trong năm 2014, sau 5 năm suy thoái hoặc không tăng trưởng.
Theo Ine, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ 4 Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đã tăng lên mức 1.060 tỷ euro.
Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy hồi tuần này cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha lên 2,4% từ mức 2,0% và cho biết Madrid sẽ tạo ra khoảng nửa triệu việc làm trong năm 2015 này.
Trong khi đó, tại Đức, chỉ số niềm tin tiêu dùng đã đạt mức cao nhất trong vòng 13 năm qua, đánh dấu sự lạc quan về nền kinh tế của nước này.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu thị trường GfK hàng đầu của Đức nhận định những leo thang căng thẳng ở Ukraine, giữa phương Tây và Nga, cũng như vấn đề nợ của Hy Lạp hầu như không tác động nhiều tới người tiêu dùng vốn đang rất lạc quan ở Đức.
Theo đó, chỉ số lòng tin tiêu dùng trong tháng 2/2015 tăng lên 9,3 điểm và dự kiến sẽ lên mức 9,7 điểm trong tháng tới - chỉ số cao nhất kể từ tháng 10/2001. Chỉ số kỳ vọng vào nền kinh tế trong tháng này cũng tăng lên 27,2 điểm từ mức 22,5 điểm tháng trước đó. Ước tính, chi tiêu tiêu dùng sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung trong năm 2015.
Trong khi đó, một tín hiệu tích cực nữa được ghi nhận trên thị trường lao động Đức khi Cục Lao động Liên bang Đức (BA) ngày 26/2 cho biết số người thất nghiệp trong tháng Hai chỉ còn 3,017 triệu người, chỉ số thấp nhất trong tháng Hai kể từ năm 1991.
Theo BA, số người thất nghiệp giảm như vậy là điều bất ngờ, bởi thông thường trong tháng Hai, lượng người thất nghiệp ở Đức luôn tăng nhẹ. Trong năm ngoái, tăng trưởng kinh tế Đức đạt 1,6% và dự kiến trong năm nay cũng sẽ tiếp tục đà tăng, do đó thị trường lao động sẽ không bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế.
Liên quan tài chính công của Đức, Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, ngân sách tổng hợp của chính phủ liên bang, các bang và địa phương trong năm ngoái đạt thặng dư 18 tỷ euro, tương đương 0,6% GDP của Đức.
Riêng ngân sách chính phủ đạt thặng dư 11,4 tỷ euro, so với mức thâm hụt 4,5 tỷ euro trong năm 2013.
Trước đó, ngày 24/2, EU đã gia hạn cho Pháp thêm hai năm (đến năm 2017) để giảm thâm hụt ngân sách về mức trần quy định của EU là dưới 3% GDP.
Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone sẽ tránh được án phạt vào thời điểm hiện nay do đã không thể thực hiện được cam kết liên quan vào thời hạn chót.
Dự kiến, Paris sẽ phải trình bày kế hoạch cải cách với Brussels vào tháng Tư tới để chứng tỏ khả năng thực thi mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách của nước này.
Số liệu chính thức công bố ngày 25/2, sau nhiều tháng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, thị trường việc làm tháng Một vừa qua cũng đã được cải thiện nhẹ, chỉ còn 3,48 triệu người bị thất nghiệp, giảm 0,5% (19.100 người) so với tháng 12/2014 - tháng có số người thất nghiệp cao kỷ lục là 3,496 triệu người./.