Xa gia đình, phải sống và làm việc trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn cùng điều kiện thời tiết châu Phi khắc nghiệt, song những nữ quân nhân Việt Nam thuộc lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời thể hiện và phát huy được những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong lòng người dân địa phương và bạn bè quốc tế.
Đối với những người phụ nữ có con nhỏ như nữ quân nhân Bạch Thị Huyền Trang, một trong 13 nữ quân nhân thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại Bentiu, Nam Sudan, phải sống xa gia đình trong thời gian dài và cách xa nhau hàng ngàn km là một thử thách không nhỏ, nhất là trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Chị Huyền Trang chia sẻ cách đây không lâu, bố chồng cô bị ốm phải nhập viện, gia đình không có người trông hai con nhỏ. Các cháu buộc phải đi gửi họ hàng bởi chồng cô thường xuyên đi công tác dài ngày. Người mẹ trẻ này đã phải trải qua những ngày lo âu khi không thể tự tay chăm sóc con cái. Điện thoại nói chuyện với các con là cách duy nhất Huyền Trang có thể làm để vơi bớt nỗi lo.
Trong công việc hằng ngày tại bệnh viện, chị Huyền Trang cũng đối diện với nhiều thách thức. Chị cho biết Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam đảm nhận việc tiêu hủy rác y tế cho cả 5 Bệnh viện dã chiến cấp 1 trong vùng. Vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, việc kiểm tra và tiêu hủy rác truyền nhiễm theo đúng quy định và đảm bảo an toàn vô cùng quan trọng bởi lượng rác thải truyền nhiễm tăng đột biến. Có những ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt đến 45 độ C, cô và các đồng đội nhiều khi còn hít phải khói từ lò đốt rác, nhiều người bị say nắng, sức khỏe phần nào cũng bị ảnh hưởng.
[Mang giá trị, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam ra thế giới]
Đối với bác sỹ Tống Vân Anh, Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, môi trường làm việc thật sự có nhiều khó khăn như việc thiếu nước sạch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, cũng như công tác điều trị bệnh nhân.
Là một bác sỹ sản phụ khoa, bác sỹ Vân Anh hiểu rõ tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản đối với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, có rất nhiều phụ nữ Nam Sudan không có kiến thức về vấn đề này. Để giúp họ hiểu được cần phải bảo vệ sức khỏe sinh sản là một việc không dễ dàng, đòi hỏi sự kiên trì và thời gian.
Trong khi đó, Thiếu úy Lê Na, 26 tuổi, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, Khoa Khám bệnh Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, ngoài công tác chuyên môn chị còn được điều động tham gia các công việc khác, nhất là trong thời gian nhiều đồng đội nam bị nhiễm COVID-19. Nữ quân nhân trẻ tuổi nhất trong đơn vị đã đảm trách cả công việc của các đồng nghiệp nam như trực gác, đồng thời kiêm nhiệm cả việc chăm sóc các đồng đội bị ốm và nhiều công việc khác.
Đối diện với những khó khăn, thách thức trên, các nữ quân nhân Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ, thích nghi với cuộc sống trên mảnh đất châu Phi xa xôi.
Như nữ quân nhân Huyền Trang, vượt qua nỗi nhớ nhung gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chị còn tích cực tham gia tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Mỗi khi có thời gian, chị lại xắn tay chăm sóc vườn rau, từ vun trồng, che nắng cho đến tưới nước, cũng như khi tham gia dọn dẹp, tạo cảnh quan sạch, đẹp nơi công tác.
Trong khi đó, để vợi đi nỗi nhớ nhà vào dịp Tết cổ truyền, Thiếu úy Lê Na cùng đồng đội tổ chức nhiều hoạt động như dựng cây nêu, gói bánh chưng, làm mứt… Cô còn hướng dẫn các đồng nghiệp nước ngoài gói bánh chưng, bánh tét Việt Nam, giải thích về ý nghĩa ngày Tết và các món ăn cổ truyền của dân tộc. Nhiều đồng nghiệp nước ngoài còn xin bánh mang về làm quà.
Hình ảnh của các nữ quân nhân ấy là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam, bình dị, gần gũi và rất đỗi thân thương. Những hình ảnh ấy cũng gợi lên trong lòng những người dân địa phương và những đồng nghiệp nước ngoài về một dân tộc Việt Nam cần cù, chịu thương chịu khó, giàu truyền thống và lòng nhân ái.
Những nỗ lực tuyên truyền về kiến thức y tế của bác sỹ Vân Anh tuy chưa thể làm thay đổi ngay nhận thức của phụ nữ Nam Sudan về tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản, song đã để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp. Chị chia sẻ những nỗ lực của mình đã được đền đáp xứng đáng khi chị tham gia mổ đẻ thành công cho một sản phụ 22 tuổi người bản địa với dị tật cột sống rất nặng. Niềm vui vỡ òa khi cháu bé ra đời khỏe mạnh và sản phụ hồi phục tốt sau ca mổ. Đây là kỷ niệm vô cùng ấm áp đối với bác sỹ Vân Anh cũng như kíp mổ và cộng đồng người dân bản địa.
Chia sẻ về các nữ quân nhân Việt Nam, Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại Nam Sudan cho rằng sự hiện diện của các nữ quân nhân trong đơn vị có vai trò quan trọng trong nhiệm kỳ công tác tại địa bàn.
Trung tá Mỹ Hòa nói: “Các nữ quân nhân của chúng ta không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn giới thiệu những nét đẹp, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động khám, chữa bệnh, hoạt động giao lưu văn hóa cũng như hình ảnh bình dị trong sinh hoạt thường ngày.”
Còn đối với các chị, được sống và được cống hiến, đó chính là hạnh phúc bởi họ quan niệm mang hạnh phúc đến cho mọi người cũng chính là mang lại hạnh phúc cho chính mình. Những người phụ nữ ấy thực sự là những “đóa hồng Việt Nam” trên mảnh đất châu Phi xa xôi đầy nắng gió./.