Trong số hơn 42.700 người bị mất việc làm (trên tổng số hơn 69.000 người tham gia khảo sát đến từ khối cơ quan nhà nước, cơ quan sự nghiệp, doanh nghiệp và lao động tự do), số bị mất việc từ 1- 3 tháng chiếm 50%. Số người mất việc dưới 1 tháng là 19%, số người mất việc trên 6 tháng là 15%.
Thông tin trên được đưa ra theo khảo sát online về thời gian bị mất việc làm của người lao động do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện.
Vậy nguồn tiền tích lũy của họ có thể đảm bảo được cuộc sống tối thiểu bao lâu?
Câu trả lời là gần 50% số người lao động bị mất việc có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng.
Hơn 37% người lao động bị mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng.
Số có đủ tiền để trang trải cho cuộc sống dưới 6 tháng là 8,6% và chỉ có 4,4% số người lao động đã mất việc làm cho biết họ có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng.
Trông đợi vào sự hỗ trợ của người thân
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, cho biết người lao động khi mất việc, có thể nhận được một hoặc nhiều nguồn hỗ trợ như từ gói hỗ trợ của Nhà nước, từ sự hỗ trợ tài chính của công ty nơi họ làm trước đây, sự trợ giúp của người thân/gia đình và sự trợ giúp của làng xóm/tổ chức nhân đạo.
Nhìn vào con số trên 42.700 người bị mất việc làm, thì có tới 45% trong số này phải dựa vào sự trợ giúp tài chính của người thân và gia đình.
Tỷ lệ người mất việc nhận được sự trợ giúp từ làng xóm hoặc tổ chức từ thiện là 12%. Tỷ lệ lao động mất việc nhận được sự trợ giúp tài chính của công ty chỉ đạt hơn 5%.
Con số về lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh được tiếp cận với gói hỗ trợ của nhà nước là nhỏ nhất, chỉ đạt 2%. Nếu tính gộp cả những người nhận được bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc thì con số này mới tăng lên được 3,5%.
Đáng lưu tâm là số người lao động bị mất việc làm nhưng không nhận được sự trợ giúp chiếm tới 39,6%.
[Bí thư Thành ủy TP.HCM: Sẽ "mở cửa" dần, sống trong điều kiện có dịch]
Theo bà Thủy, có đến 48,2% số người mất việc trả lời không thể kiếm được việc để đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới, còn khoảng 25% cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc ở công ty khác trong thời gian tới.
Ngoài ra, một cách thức để người lao động thử sức tìm kiếm, tạo việc làm cho mình sau khi mất việc là thực hiện các hoạt động kinh doanh online như bán hàng online, với gần 21% muốn làm công việc này.
Khoảng 10% số lao động mất việc sẽ thực hiện việc tham gia vào “chạy xe công nghệ” để đảm bảo cuộc sống. Chỉ có 0,6% số lao động mất việc trả lời chờ đợi công ty cũ mở cửa trở lại để quay trở lại làm việc.
Đơn giản hóa thủ tục cho mọi người dân có thể nhận được hỗ trợ
Một thực tế được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nêu lên thông qua kết quả khảo sát, đó là, Nhà nước có truyền thông về các gói hỗ trợ trên phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, số tiền thực sự đến được tay người lao động tự do mất việc/người nghèo quá ít.
Hiện có rất nhiều người là lao động tự do, người kinh doanh, bán hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Các cấp chính quyền nên có hình thức trợ cấp phù hợp, đúng đối tượng. Các gói hỗ trợ đối với công nhân nên thông qua các công ty để lên danh sách người được thụ hưởng do mất việc.
“Nhiều công nhân ở trọ không có địa chỉ tạm trú rõ ràng, bị mất việc và không rành về thủ tục nên không phải là đối tượng hỗ trợ, hoặc nếu muốn được hưởng hỗ trợ phải chứng minh bằng các giấy tờ với các yêu cầu xác nhận, trong khi đó, nhiều nơi thực hiện giãn cách, người lao động không đi lại được. Cần có công văn thông báo gửi cho doanh nghiệp, đồng thời cập nhật thông tin trên ứng dụng bảo hiểm xã hội điện tử để người lao động cùng nắm thông tin,” bà Thủy nhận định.
Giám đốc Văn phòng Ban IV chỉ ra rằng hiện có rất nhiều doanh nghiệp trì trệ hoặc khó khăn trong khâu bổ sung hồ sơ nên các lao động tạm nghỉ việc chưa thể nhận được nguồn trợ cấp từ gói hỗ trợ của Chính phủ. Cần đơn giản hóa thủ tục cho mọi người dân có thể nhận được hỗ trợ, không phải chỉ những người lao động có bảo hiểm xã hội.
Nhà nước có thể mua hàng hóa của nông dân để phát cho người dân; công khai, minh bạch công tác phát tiền trợ cấp tại các phường/xã, tiền có thể được chuyển vào thẻ hoặc áp dụng thẻ mua hàng cho người dân thực sự khó khăn; cấp phát khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly, giãn cách, ai không có ăn cần cấp phát khẩn cấp ngay, không phân biệt đối tượng, không đòi hỏi giấy tờ, nếu có như vậy, người lao động bị mất việc mới yên tâm ở nhà thực hiện giãn cách xã hội tại những vùng dịch bùng phát mạnh, cũng theo bà Thủy.
Liên quan đến chính sách tiêm chủng vaccine, người lao động đề xuất tăng tốc độ tiêm chủng vaccine bằng cách có cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào dịch vụ tiêm. Tiêm vaccine nhanh nhất cho nhóm người có nguy cơ cao như người già hơn 60 tuổi hoặc các đối tượng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hiện nay, một số quận tại Thành phố Hồ Chí Minh quá cứng nhắc, bắt buộc phải có tạm trú/hộ khẩu, gây khó khăn cho người dân muốn tiêm và giảm tốc độ phủ vaccine của thành phố. Đồng thời với đó, cân nhắc tiêm vaccine cho trẻ em để đảm bảo việc đến trường an toàn; sớm tiêm vaccine cho những tiểu thương buôn bán tại chợ và cho các chợ hoạt động lại an toàn.
Để giải quyết các khó khăn về thu nhập, công việc, người lao động đề xuất các cơ quan địa phương là bộ phận gần với dân nhất, do đó, cung cấp thông tin tuyển dụng tại từng thôn, ấp, xã, phường để người dân có thể tìm hiểu và ứng tuyển; tổ chức các buổi học online phổ biến kiến thức về các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; phối hợp với các doanh nghiệp để thông tin về việc làm đến người lao động.
Chính quyền địa phương hỗ trợ, tiếp cận, đào tạo các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể các hình thức bán hàng online, sàn thương mại điện tử…; yêu cầu các hãng xe công nghệ hạ mức chiết khấu để san sẻ khó khăn với người lao động; có chính sách hỗ trợ người lao động trong độ tuổi trung niên (trên 40 tuổi) kiếm được việc làm; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm việc làm bằng những chính sách riêng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đời sống sinh hoạt, người lao động cho rằng, nên tạo một sàn thương mại điện tử tập trung, tích hợp các phương thức vận chuyển nhanh để người dân không phải đi chợ truyền thống.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ/vận động các chủ hộ cho thuê miễn/giảm tiền thuê nhà trong thời gian thực hiện giãn cách. Kiểm soát giá tại các chợ, người buôn bán tư nhân, đảm bảo lưu thông hàng hóa lương thực, thực phẩm để giá cả của các mặt hàng này ổn định. Miễn/giảm học phí cho con em người lao động, sinh viên vùng dịch.
Về các chính sách, công tác chống dịch, Ban IV cho biết, người lao động đề xuất, cần nhất quán các quy định chống dịch, thực hiện quyết liệt và triệt để Chỉ thị 16+ để nhanh chóng kiểm soát dịch; miễn phí tiền xét nghiệm cho các trường hợp đến tiêm vaccine tại bệnh viện; tạo điều kiện cho người dân không bị mắc COVID về quê nếu có nguyện vọng vì chi phí sinh hoạt tại Thành phố Hồ Chí Minh rất cao. Quy định chỉ đi chợ theo phường nên tính toán dựa trên khoảng cách, hạn chế việc di chuyển xa hơn…
Để tháo gỡ khó khăn trong di chuyển, lưu thông hàng hóa, nhiều đề xuất đã được nêu ra.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, giấy đi đường bản giấy đang khiến các công ty đình trệ sản xuất, giao thương khó khăn, dẫn đến giá cả tăng, hàng hóa thiếu hụt, không cân bằng giữa các khu vực, cần cấp thẻ/mã di chuyển điện tử được quản lý bởi hệ thống của Chính phủ và nguồn dữ liệu về nhân sự được cấp thẻ/mã phải đồng bộ giữa các chốt/trạm/điểm kiểm soát. Nên ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng sản xuất, vận chuyển hàng hóa.
Cùng với đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất để đảm bảo công tác lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Nhu cầu mua hàng trực tuyến của người dân tăng cao, cần có chính sách không để các doanh nghiệp vận chuyển tăng giá thời điểm dịch. Nới lỏng giãn cách dần bằng cách quản lý bằng mã QR cho mỗi người dân khỏe mạnh tham gia lao động, sản xuất; thu hẹp vùng đỏ hơn./.