Nếu ai chưa một lần đặt chân lên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc hẳn sẽ nghĩ nơi đây chỉ có cát biển, nắng, gió và san hô.
Thế nhưng, giữa mênh mông biển khơi, qua bàn tay, công sức của cán bộ, chiến sỹ Hải quân, các hòn đảo lớn nhỏ của quần đảo Trường Sa nay đã phủ một màu xanh. Từ đảo nổi Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết đến đảo chìm Đá Thị, Đá Nam… đều xanh mướt một màu, không khí mát rượi quanh năm.
Những ngày đầu năm 2019, con tàu vận tải lớn mang số hiệu Trường Sa 571 đưa chúng tôi vượt sóng đến với quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Nếu như ở đất liền, không khí mát mẻ của những cơn mưa Xuân mang đến thì giữa biển trời Trường Sa là nắng gắt và gió biển mặn chát. Chính vì thế, việc trồng cây xanh lấy bóng mát, ngăn gió biển luôn được các đảo đặc biệt quan tâm. Nhiều đảo lấy chỉ tiêu trồng cây xanh hàng năm để đưa vào công tác thi đua.
Đảo Nam Yết - được mệnh danh là “Đảo xanh” của quần đảo Trường Sa bởi trên đảo có sự hiện diện và trường tồn của nhiều chủng loại cây xanh.
Ngoài “cây đặc sản” là cây bàng quả vuông, cây bão táp, ở trên đảo còn có những loại cây từ đất liền như cây mù u, xoài, mít, chanh, ổi, đủ đủ và dừa. Trong đó, đặc biệt là cây mù u trở thành cây di sản với tuổi đời hơn 125 năm và cây dừa Trường Sa.
Trung tá Đào Văn Kha, Chỉ huy trưởng Đảo Nam Yết cho biết, công tác phát triển và bảo tồn cây xanh trên đảo được các chiến sỹ nơi đây rất quan tâm. Hàng năm luôn có những chương trình như mỗi chiến sỹ trồng một cây xanh, mỗi đơn vị một vườn cây…
Ngoài các loại cây đặc sản của đảo, mỗi dịp từ đất liền ra công tác, các đoàn đều mang theo những cây trồng vùng miền như bưởi, cam, ổi, xoài… và được chúng tôi trồng, chăm sóc chu đáo. Nhờ đó, bây giờ khắp đảo đều được phủ xanh.
[Sắc Xuân đã ngập tràn trên khắp các điểm đảo ở Trường Sa]
Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - người góp công vun trồng những rặng rừa xanh mướt trên đảo Nam Yết cho biết khắp quần đảo Trường Sa, Đảo Nam Yết là đảo có nhiều dừa nhất, hiện trên đảo có hơn 125 cây dừa đã cho quả.
Bên cạnh những cây xanh khác, dừa có vai trò quan trọng, không chỉ tỏa bóng mát mà còn cung cấp nước mát khi thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt.
“Nhìn những rặng dừa kiên cường trong nắng gió có một chút gì đó rất quê nhà, cán bộ, chiến sỹ ở đây cũng vơi đi cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương, yên tâm công tác,” Đại tá Trần Minh Thuần chia sẻ.
Nằm trong cụm đảo phía Bắc của Trường Sa, đảo Song Tử Tây cũng phủ một màu xanh của các loại cây như bàng quả vuông, phong ba, phi lao, mù u…
Dù thời tiết ở đây rất khắc nghiệt nhưng dưới bàn tay chăm sóc của các chiến sỹ Hải quân, cây ở Song Tử Tây cứ vậy vươn chồi, nở hoa, xanh mướt hai mùa.
Để có được một điểm đảo xanh, hàng năm cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã tổ chức chiết, trồng mới hơn 1.500 cây xanh, huy động 4.500 ngày công của các lực lượng để xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp trên đảo.
Trung tá Đậu Đình Dân, Chỉ huy trưởng Đảo Song Tử Tây chia sẻ qua mỗi thế hệ, đảo lại thêm nhiều cây xanh hơn nữa. Do thời tiết rất khắc nghiệt, trên đảo chủ yếu đất cát nên để trồng được cây xanh, các chiế sỹ phải mang đất thịt từ trong đất liền ra để ươm, duy trì sự sống cho cây ban đầu, dành dụm từng giọt nước ngọt để tưới cây.
Với thời tiết khắc nghiệt như ở đây, nếu không có bóng mát của cây xanh chắc rất khó để hoạt động, huấn luyện và bảo vệ đảo. Trong các cuộc phát động thi đua, các đơn vị đều đưa ra chỉ tiêu trồng mới cây xanh, phấn đấu cứ mỗi cây già đi sẽ có một cây non mới trưởng thành.
Quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc đang vươn mình qua mỗi mùa Xuân. Cùng với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa vẫn miệt mài dệt thảm xanh cho quần đảo nơi mình sinh sống và công tác. Qua đó, góp phần bảo vệ sự trường tồn của các điểm đảo với sự khắc nghiệt của sóng, gió giữa trùng khơi./.