Đã có quá nhiều bài học cho việc thiếu kỹ năng tự thoát thân khi những vụ cháy nổ xảy ra. Đơn cử tại vụ cháy tại quán Karaoke số 68 trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội đã làm 13 người tử vong. Nguyên nhân về cái chết của các nạn nhân tiếp tục được các cơ quan chức năng phân tích làm rõ.
Nhưng có thể các nạn nhân đã thiếu kỹ năng tự thoát thân khi đám cháy xảy ra, hoặc họ đã do dự và đưa ra quyết định chậm so với tốc độ lan truyền của khói và lửa.
Theo lực lượng trực tiếp chữa cháy ở quán Karaoke nêu trên, trong số 15 người tham gia hát đã có 2 người phát hiện ra khói, nên đã nhanh chóng dùng khăn ướt bịt mũi chạy ra hành lang rồi thoát ra phía sau quán.
Còn các nạn nhân khác không đủ can đảm lao ra ngoài, nên "cố thủ" bên trong phòng hát và bị ngạt khói trước khi lửa lan vào. Hoặc một số người đã quyết định quá muộn dẫn đến hậu quả đau lòng.
Ở trong trường học hay công sở chúng ta vẫn được học các kỹ năng cơ bản khi thoát hiểm khỏi đám cháy. Hay trên các phương tiện truyền thông cũng không thiếu những, bài viết, clip hướng dẫn cách tự cứu mình trong khi sự cố xảy ra.
Nhưng những thông tin đó, dường như không được nhiều người quan tâm hoặc có chăng theo dõi ở mức độ hờ hững. Họ cho rằng cháy ở đâu đó nhưng sẽ không xảy ra nơi mình ở hoặc làm việc. Nên khi sự việc xảy ra chúng ta có thói quen chỉ xem cháy do đâu, số người bị thiệt hại, hay đời tư của những nạn nhân mà bỏ qua những thông tin, phân tích về kỹ năng thoát hiểm của nạn nhân.
Có bao giờ bạn tự hỏi khi có cháy xảy ra mình sẽ làm gì? Gọi Cảnh sát chữa cháy hay tìm bình khí CO2; thoát hiểm bằng thang máy hoặc thang bộ...
Theo các chuyên gia về phòng chống chữa cháy, khói độc tỏa từ đám cháy phát ra khiến nạn nhân ngất xỉu trong vài chục giây và tử vong trong vòng 2 phút. Sự sống lúc này chỉ trong gang tấc, kỹ năng thoát hiểm và thời khắc ra quyết định rất quan trọng để bảo toàn sự sống trong những vụ cháy. Chính sự hờ hững, thiếu kỹ năng tự cứu bản thân sẽ khiến cho chúng ta phải trả giá.
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh hai nữ tiếp viên của một quán Karaoke bị cháy cũng ở địa bàn quận Cầu Giấy, họ đã phải dùng áo ngực để bịt mũi ngăn khói khi thoát ra ngoài. Hình ảnh đó lan truyền nhanh chóng trên mạng và nhận được hàng nghìn lượt like, bình luận về nghề nghiệp và nhân cách của cô hai cô gái. Nhưng chúng ta hãy bình tĩnh suy ngẫm lại nếu không như thế liệu rằng hai cô gái có thể an toàn khi cháy ngọn lửa đang lan nhanh. Vì thế khoan hãy nói đến những điều khác, khi cháy xảy ra bạn phải biết tự cứu mình, sau đó mới có thể cứu được những thứ khác xung quanh.
Một chuyên gia đã tham gia chữa cháy nhiều vụ cũng như truyền giảng kỹ năng tự cứu mình trong đám cháy từng cho rằng nếu không may xảy ra hỏa hoạn, kỹ năng sống còn của mỗi con người sẽ nổi lên. Chúng ta phải bình tĩnh để tìm sự sống trong cái chết. Ở đây, yếu tố bình tĩnh là vô cùng quan trọng để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm trong thời gian nhanh nhất có thể. Chúng ta phải dùng mọi cách, tận dụng bất kỳ vật dụng nào trên đường, chẳng hạn sử dụng giẻ lau, khăn,... nhúng nước để bịt miệng thoát ra ngoài. Khói thường bay lên cao nên khi thoát thân, người gặp nạn phải cúi rạp người xuống để thoát thân.
"Trong điều kiện có thể, người gặp nạn nên thoát lên mái nhà hoặc thoát qua nhà bên cạnh. Nếu đang ở trên tầng cao, có thể leo ống nước xuống dưới theo sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ. Việc nhảy khỏi nhà từ trên tầng cao là không nên khi mà còn có những giải pháp khác tối ưu hơn. Tốt nhất chúng ta phải tìm mọi cách thoát ra theo một đường liên tục," vị chuyên gia khuyến cáo.
Tất nhiên mỗi vụ cháy, mỗi nạn nhân đều ở những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những kỹ năng cơ bản sẽ giúp bạn có thể có lựa chọn tốt nhất cho mình, hạn chế được thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.
Bên cạnh việc trang bị các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, mỗi chúng ta cũng cần phải nên cao cảnh giác, phòng chống giặc hỏa, nhất là vào thời điểm thời tiết hanh khô như hiện nay.
Có một thực tế không chỉ ở Hà Nội mà các địa phương, nhiều gia đình có điều kiện mua được ôtô và đồ dùng đắt tiền nhưng trong nhà, trong xe lại thiếu những bình khí CO2 để tự chữa cháy. Chính vì sự chủ quan cộng với thiếu kỹ năng trong xử lý tình huống cháy, sẽ là những nguyên nhân dẫn đến hậu quả nặng nề từ hỏa tặc.
Vì thế, cách duy nhất để ngăn chặn hỏa hoạn đó là chúng ta hãy chủ động phòng tránh các nguồn phát lửa gây cháy ngay tại nhà, cơ quan, đơn vị và nơi công cộng./.