Những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua người lính cận vệ

Với những ai đã từng được gặp Bác Hồ, kỷ niệm về Bác sẽ trở thành giây phút thiêng liêng mà suốt đời không thể quên được.
Những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua người lính cận vệ ảnh 1Ông Nguyễn Ngọc Châu (đứng thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội đại biểu Đảng bộ sư đoàn 302 lần thứ nhất ở tỉnh Siem Reap, Campuchia. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Với những ai đã từng được gặp Bác Hồ, kỷ niệm về Bác sẽ trở thành giây phút thiêng liêng mà suốt đời không thể quên được.

Còn với ông Nguyễn Ngọc Châu ở phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh, người đã từng có vinh dự được làm lính cảnh vệ, sống bên cạnh Bác Hồ trong suốt 10 năm, ký ức về Bác là điều tuyệt vời nhất với ông. Bác là tấm gương vĩ đại để suốt đời ông noi theo.

Tháng năm được theo chân Bác và những bài học của Người Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Diễn Châu, Nghệ An, ông Châu sớm chịu cảnh mất cha từ lúc chưa đầy 13 tuổi. Ngay từ nhỏ, ông đã luôn ý thức được tinh thần tự lập và đỡ đần mẹ mọi việc trong nhà và chăm chỉ học tập.

17 tuổi, Nguyễn Ngọc Châu xung phong khám tuyển đi bộ đội. Sợ không đủ cân nặng theo chỉ tiêu, ông lén buộc đá vào người nhưng vẫn không đạt nên bị Ban tuyển quân từ chối. Giữa đám đông lúc ấy, ông òa khóc và phải năn nỉ, trình bày nguyện vọng mãi mới được chấp nhận trúng tuyển.

Nhập ngũ vào Trung đoàn 44, sau gần 2 tháng huấn luyện, đơn vị ông hành quân ra Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu. Lúc này, các sư đoàn tổ chức về lấy quân bổ sung cho Mặt trận Điện Biên Phủ, ông Châu được điều về Đại đội 1, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đơn vị bảo vệ Trung ương Đảng, ông Châu được điều động về đơn vị bảo vệ Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc.

Tháng 9/1954, ông được vào Trung đoàn 600 - đơn vị “đặc biệt” để trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và những cán bộ cấp cao của Đảng bao gồm 600 chiến sỹ được tuyển chọn từ các Sư đoàn.

Vào một ngày cuối năm 1954, giữa lúc bộn bề trăm công nghìn việc và sau 9 năm kháng chiến thắng lợi chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Bác cho gọi các chiến sỹ của Trung đoàn cảnh vệ 600 đến nói chuyện. Đó là lần đầu tiên, Nguyễn Ngọc Châu được gặp và gần Bác đến thế, giây phút xúc động ấy đến tận bây giờ ông vẫn không thể nào quên được.

Bác ân cần, dặn dò mọi người trong Trung đoàn cảnh vệ: “Bác cháu ta đã từng gian khổ trong kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội địch chiếm đóng lâu năm, đầy rẫy cảnh xa hoa, dễ nảy sinh tư tưởng hưởng thụ. Vì vậy, Bác căn dặn các chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước viên đạn “bọc đường.”

Lời căn dặn ấy của Bác đã được các chiến sỹ Trung đoàn cảnh vệ 600 khắc ghi, trở thành những con người tuyệt đối kiên trung với Đảng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; bảo vệ Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ.

Trong thời gian làm bảo vệ ở Phủ Toàn quyền Đông Dương, ông Châu được chọn vào Trung đội 1, làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. 10 năm được sống bên cạnh Bác, bảo vệ cho sự bình an của Người đã để lại trong lòng người lính cảnh vệ năm xưa những ký ức khó quên.

Nhớ về những ngày tháng làm việc ở Phủ Toàn quyền Đông Dương, ông xúc động: Bác Hồ là một tấm gương mẫu mực về sinh hoạt lành mạnh và khoa học. Hầu như sáng sớm nào, dù mưa hay nắng Bác cũng tranh thủ thời gian dậy sớm tập thể dục. Mỗi lần được gần gũi với Người là một lần ông có thêm một bài học mới về đạo đức, lối sống và tác phong làm việc của một người lính.

Khi được hỏi về kỷ niệm với Bác Hồ mà ông nhớ nhất, ông Nguyễn Ngọc Châu bồi hồi chia sẻ: Với tôi, 10 năm được phục vụ Bác là quãng thời gian tuyệt vời và thiêng liêng nhất, mỗi hình ảnh, ấn tượng về Người đều được tôi khắc ghi. Nhưng có 3 câu chuyện - 3 bài học sâu sắc của Bác mà tôi vẫn nhớ nhất, thường kể lại cho con cháu nghe.

Bài học về đạo đức: Đó là vào một buổi sáng, tôi và anh Minh, quê ở Yên Thành đang tưới su hào thì thấy Bác Hồ đang chèo thuyền ở bờ ao. Hai chúng tôi tiến đến gần và lặng lẽ quan sát, khi thuyền chèo qua chỗ chúng tôi, Bác đột ngột dừng lại và lên tiếng “Tại sao hai chú thấy Bác mà không chào?.”

Chúng tôi lúc đó vừa bất ngờ, vừa lo sợ, phải một lúc mới trấn tĩnh lại được, cả hai đứng nghiêm, giơ tay chào và thưa với Bác: “Chúng cháu thật có lỗi vì mải xem Bác bơi thuyền mà quên mất, mong Bác tha thứ!.” Bác ôn tồn nói: “Hai chú về cơ quan làm việc phải có lễ phép, tiên học lễ, hậu học văn.”

Bài học về tác phong khi làm việc: một lần, khi đang đứng gác ở nhà sàn của Bác, thấy Bác đi tới, ông Châu đứng nghiêm chào nhưng do lo lắng nên hơi run. Bác tiến thẳng lại gần rồi nói: “Ở đây không chỉ có Bác và các đồng chí Trung ương mà còn có khách quốc tế ra vào, người cảnh vệ phải có tác phong nghiêm túc, chững chạc.”

Rồi Bác đưa tay lên đóng chiếc cúc áo mà ông Châu đã sơ ý quên cài. Sau lần đó, mỗi lần mặc quân phục, ông đều kiểm tra kỹ và tự tin, chững chạc hơn trong lúc làm nhiệm vụ.

Bài học về sự giản dị, tiết kiệm, đó là trong một lần, Bác lên Sơn Tây bằng xe ôtô nhưng lúc về các đồng chí ở Bộ Quốc phòng biết chuyện đã cho máy bay lên đón nhưng Bác không đồng ý và bảo: “Các chú đưa máy bay lên thì các chú tự đưa về, Bác không đi. Trong lúc dân ta còn đói khổ, phải chi viện cho Miền Nam mà các chú lại lãng phí như vậy.”

Một vinh dự lớn lao trong đời lính của mình mà ông Châu không thể quên được đó là được đón Tết cùng Bác vào năm 1958. Trong buổi tiệc, ông là người nhỏ tuổi và cũng thấp bé nhất nên được ưu tiên ngồi phía đầu, gần đối diện với Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sau khi chúc Tết toàn thể mọi người, Bác nâng ly mời tất cả cùng vui tết và đến tận từng người, hỏi han về công việc, gia đình và sức khỏe. Khi Bác đến gần, do quá hồi hộp, ông Châu lúng túng làm cốc nước trên tay sóng sánh sắp đổ ra ngoài.

Thấy vậy, Bác ân cần: “Chú cẩn thận kẻo đổ” rồi Bác gắp một miếng thịt gà để vào bát người lính cảnh vệ và nhẹ nhàng nói “ Chú ăn đi, ăn tự nhiên mới có sức khỏe.” Hành động trìu mến, thân thương, ấm áp ấy của Bác đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng người lính trẻ.

Năm 1964, ông Châu cùng một số cảnh vệ được chọn vào học trường sơ cấp chính trị quân đội rồi trải qua nhiều vị trí mới như Chính trị viên phó đồn 59 - Công an vũ trang nhân dân, trợ lý tuyên huấn, thi đua. Năm 1979, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và đến năm 1989, Trung tá Nguyễn Ngọc Châu được ra quân và trở về sống tại phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh cho đến bây giờ.

Đời thường lặng lẽ của một người lính 80 tuổi đời và hơn 35 năm tham gia quân đội; trong đó có 10 năm được phục vụ Bác Hồ, trở về với cuộc sống đời thường lặng lẽ và giản dị.

Ông có 3 người con, người con cả đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ở chiến trường Campuchia; người con trai thứ, sinh năm 1984 tốt nghiệp Đại học Kinh tế chuyên ngành kế toán nhưng hiện vẫn làm công nhân tự do, cô con gái út sinh năm 1989 đã tốt nghiệp Đại học nhưng vẫn chưa xin được việc làm.

Ngoài việc tích cực tham gia công tác xã hội của Khối, Phường, ông còn làm hương trầm bán để gia đình có thêm thu nhập và mở một câu lạc bộ bóng bàn tại nhà để rèn luyện thể thao lúc rảnh rỗi và là nơi giao lưu của các cụ hưu trí đam mê bóng bàn.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cuộc sống còn nhiều khó khăn và phải chống chọi với căn bệnh tiểu đường đã nhiều năm nay nhưng ông vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, nhớ về quãng thời gian được làm lính cảnh vệ phục vụ Bác như một hồi ức đẹp đẽ nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục