Những lưu ý của IMF về các biện pháp nhằm kiềm chế 'bão giá'

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, lạm phát kết hợp với giá thực phẩm và năng lượng tăng đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở các nước trên thế giới.
Những lưu ý của IMF về các biện pháp nhằm kiềm chế 'bão giá' ảnh 1Bên trong một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá thực phẩm và năng lượng tăng đang khiến nguy cơ bất ổn xã hội dâng cao nhưng các nỗ lực nhằm kiềm chế chi phí thông qua các biện pháp giảm thuế, trợ giá và kiểm soát giá sẽ có thể gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Đây là nhận định mới được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra ngày 12/10.

Những nhận định trên được đưa ra trong báo cáo Giám sát Tài khóa mới nhất của IMF khi giá thực phẩm tăng tới 50% kể từ năm 2019 trong khi giá năng lượng cũng tăng mạnh.

[IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023]

Giám đốc phụ trách các vấn đề tài khóa của IMF Vitor Gaspar cho rằng các nước trên thế giới đang phải đối mặt với áp lực lớn hơn và phải đánh đổi nhiều hơn.

Lạm phát kết hợp với giá thực phẩm và năng lượng tăng đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Trong khi đó, nền kinh tế thế giới chịu tác động của nhiều cú sốc cùng lúc trong năm qua.

Các nước đã phải chi nhiều hơn để bảo vệ nền kinh tế trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành nay tiếp tục đối mặt với những vấn đề trong chuỗi cung ứng xuất hiện sau thời gian áp dụng các biện pháp phong tỏa để phòng dịch.

Cuộc xung đột tại Ukraine càng khiến tình hình xấu đi, giá năng lượng và thực phẩm đều tăng mạnh hơn. Các hộ gia đình cũng phải chật vật vì tình trạng này, dẫn tới nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao.

Tuy nhiên, việc cân nhắc một chính sách tài khóa phù hợp hiện ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt là với những nước nợ công cao đã dần mất năng lực tài khóa sau thời gian phải ứng phó với đại dịch COVID-19.

Theo IMF, khi các chính phủ có ít ngân sách hơn, thì việc lựa chọn những chính sách và chương trình cần được ưu tiên sẽ rất quan trọng, trong đó các mục tiêu chính phải là đảm bảo người dân có nguốn thực phẩm hợp túi tiền, bảo vệ các hộ gia đình thu nhập thấp trước "bão giá."

IMF cảnh báo khi các cú sốc về cung ứng kéo dài và lạm phát lan rộng, các biện pháp nhằm kiềm chế giá như kiểm soát giá, trợ giá hoặc cắt giảm thuế sẽ gây thêm chi phí cho ngân sách nhưng cuối cùng lại không hiệu quả.

Thay vào đó, giới chức cần phải để giá tự điều chỉnh và hỗ trợ tiền mặt cho những người dễ chịu tác động nhất.

Các quốc gia cũng có thể cần phải tìm các nguồn thu nhập tăng thêm và kiềm chế chi tiêu khi lựa chọn chính sách ưu tiên.

IMF lưu ý các nước thu nhập thấp cần thêm hỗ trợ nhân đạo và tài chính khẩn cấp vì nguồn lực còn hạn chế.

Ông Vitor Gaspar cũng cho rằng tình trạng nợ công tăng và áp lực tài khóa ngày càng nhiều cho thấy các nước cần nhanh chóng thực hiện tái cấu trúc nợ một cách có tuần tự và giảm nợ để đưa các nước thu nhập thấp vào lộ trình bền vững hơn.

Theo ông Gaspar, các nước thu nhập thấp đang đối mặt với tình trạng ngày càng bấp bênh do giá năng lượng và thực phẩm tăng kết hợp với những thảm họa khí hậu.

Ông nhấn mạnh cần có nhiều sáng kiến toàn cầu để tháo gỡ tình trạng mất an ninh lương thực và gia tăng tỷ lệ người nghèo cùng cực vốn đã bắt đầu xuất hiện từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Ngoài ra, quan chức IMF cũng lưu ý cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để giảm nợ cho các nước dễ chịu tác động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.