Những lưu ý khi giao dịch thương mại với doanh nghiệp Trung Quốc

Các doanh nghiệp nên tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là thực phẩm, nông sản... thường được kiểm soát chặt chẽ.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc Gia IDI (Tập đoàn Sao Mai). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc Gia IDI (Tập đoàn Sao Mai). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc phải thực hiện bằng hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế.

Đây là lưu ý đối với các doanh nghiệp trong nước khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc được tiến sỹ Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đưa ra tại Hội nghị “Xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức chiều ngày 8/5, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Hiện nay, Việt Nam có 9 chuẩn loại hoa quả được Trung Quốc cho phép nhập khẩu gồm thanh long, dưa hấu, vải thiều, nhãn, xoài, chôm chôm, chuối, mít và măng cụt; đồng thời đang đàm phán với phía bạn xuất khẩu thêm các sản phẩm gồm: sầu riêng, roi, chanh leo, bơ, dừa và na.

Năm 2018, kim ngạch nhập khẩu chuối Việt Nam của thị trường Trung Quốc là 880,6 triệu USD và xoài là 20 triệu USD.

Đối với thủy sản, tôm đông lạnh, cá tra, cá basa, cua, ghẹ, bạch tuộc là các mặt hàng Việt Nam được xuất sang Trung Quốc.

Năm 2018, kim ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam của Trung Quốc đạt 4,37 tỷ USD, đa phần là tôm đã qua chế biến, tôm đông lạnh...

Thương vụ Đại sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có nhiều thuận lợi như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) với mức thuế cơ bản là 0% và Trung Quốc đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh.

[Cơ hội để gạo Việt gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc]

Tuy nhiên, Thương vụ Đại sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng cảnh báo những khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.

Cụ thể, sản phẩm nông, thủy sản chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN và một số sản phẩm như gạo chịu sự quản lý về hạn ngạch nhập khẩu do Bộ Thương mại và Ủy ban Phát triển Cải cách quốc gia Trung Quốc quy định.

Những lưu ý khi giao dịch thương mại với doanh nghiệp Trung Quốc ảnh 1Xoài Cao Lãnh xuất khẩu. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Bên cạnh đó, việc xác minh năng lực doanh nghiệp, đối tác phía Trung Quốc chưa được chú trọng và còn nhiều hạn chế; còn thiếu thông tin tổng thể về thị trường Trung Quốc như chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu thị trường, hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp chưa có những người am hiểu tiếng Trung để phục vụ liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc...

Tiến sỹ Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý, các doanh nghiệp trong nước khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cần thông qua hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ và Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc và Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp, có uy tín tại Trung Quốc; xác minh năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức Internet; mọi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao.

Các doanh nghiệp trong nước cũng nên tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là những sản phẩm như: thực phẩm, nông sản, thủy sản... vì đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về vấn đề kiểm dịch.

Đồng thời muốn chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu; cập nhật thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu cũng như những quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương.

Đặc biệt, tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức, hiệp hội tổ chức; những cán bộ xúc tiến thị trường phải am hiểu tiếng Trung Quốc để thuận lợi trong công tác, giao dịch với các đối tác, doanh nghiệp Trung Quốc…

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại trung bình khoảng 20%; trong đó, năm 2018 xuất khẩu của Việt Nam đạt 63,9 tỷ USD, tăng 27%.

Riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của An Giang đạt 840 triệu USD, tăng 2,43%. Các mặt hàng xuất khẩu như nông sản, dệt may, rau quả đông lạnh.... của An Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Quang cho biết thêm, những năm qua, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc thường qua con đường tiểu ngạch.

Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đã có những thay đổi về chính sách cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng con đường chính ngạch như thuế suất giảm, không còn chênh lệnh giữa đường bộ và đường biển, siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ xuất xứ và các yếu tố khác liên quan đến chất lượng hàng hóa tại cửa khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.