Những nạn nhân của “cơn bão” suy thoái kinh tế Mỹ ở Đông Nam Á

Các nhà kinh tế cho rằng Singapore và Thái Lan sẽ chắc chắn là 2 nước đầu tiên ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng nếu Mỹ rơi vào suy thoái.
Những nạn nhân của “cơn bão” suy thoái kinh tế Mỹ ở Đông Nam Á ảnh 1Người dân mua hàng tại siêu thị ở Washington, D.C., Mỹ, ngày 13/7/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng cnbc.com, các chuyên gia kinh tế cảnh báo châu Á sẽ không tránh khỏi tổn thất nếu Mỹ rơi vào suy thoái, nhưng một số nước Đông Nam Á sẽ chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn các nước khác.

Thế giằng co giữa lạm phát và suy thoái ở Mỹ vẫn tiếp diễn khi Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lập trường cứng rắn trước tình trạng lãi suất tăng vọt.

Mỹ vừa báo cáo 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2022 - điều mà nhiều người cho là một đợt suy thoái “mang tính kỹ thuật.” Dù vậy, hầu như không có sự đồng thuận nào về thời điểm xảy ra một cuộc suy thoái toàn diện.

Trao đổi với CNBC, các nhà kinh tế cho rằng Singapore và Thái Lan sẽ chắc chắn là 2 nước đầu tiên bị ảnh hưởng nếu Mỹ rơi vào suy thoái.

Singapore

Theo chuyên gia Chua Hak Bin tại Maybank, nếu kinh tế Mỹ suy thoái, Singapore sẽ “dễ bị tổn thương hơn” các nước khác trong khu vực do nước này “rất, rất phụ thuộc”. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Singapore sẽ là nước đầu tiên.”

Chuyên gia này giải thích rằng Singapore nhiều khả năng sẽ chịu hậu quả trước tiên do phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu từ Mỹ, cũng như có một nền kinh tế mở nhưng quy mô nhỏ.

Selina Ling, nhà kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng OCBC cũng đồng ý với phân tích trên. Bà nhận định: “Nhìn sơ lược, tôi nghĩ rằng các nền kinh tế mở và phụ thuộc vào thương mại ở châu Á như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và có thể là Thái Lan sẽ thường gặp rủi ro.”

1. Mối liên kết

Trong một báo cáo hồi cuối tháng 8/2022, Maybank cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Singapore “thường tương quan” với chu kỳ tăng trưởng của Mỹ do nước này có một nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Chuyên gia Chua Hak Bin giải thích rằng Singapore không thực sự sở hữu một thị trường nội địa, trong khi tăng trưởng kinh tế lại phụ thuộc nhiều vào các hoạt động thương mại, trong đó gồm cả vận chuyển hàng hóa.

[Fed: Có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại]

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2021, tỷ trọng thương mại trên GDP của Singapore là 338%. Con số này chỉ ra mức độ “mở” của một nền kinh tế đối với thương mại toàn cầu.

Chuyên gia Chua Hak Bin cho rằng “sự liên kết và phụ thuộc của Singapore vào nhu cầu hàng hóa từ bên ngoài là rất cao.” Nếu Mỹ rơi vào suy thoái, “sự phụ thuộc và liên kết đó” sẽ tác động nhiều hơn đến các nền kinh tế có định hướng xuất khẩu.

Theo chuyên gia Irvin Seah tại Nhóm Nghiên cứu DBS, Singapore có mối liên kết chặt chẽ với phần còn lại của thế giới và một “cú sốc” ở bất kỳ nước nào chắc chắn sẽ tác động mạnh đến toàn bộ thành phố này. Dù vậy, ông cho rằng Singapore sẽ chưa rơi vào suy thoái ngay trong năm nay hoặc năm sau.

Báo cáo của Maybank cho hay nếu Mỹ suy thoái, đà giảm này “nhiều khả năng sẽ không sâu.” Tuy nhiên, ông Chua Hak Bin cho rằng Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với đợt suy thoái “kéo dài” và liệu Singapore có chịu cảnh tương tự hay không sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch COVID-19, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của quốc đảo này.

2. Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu

Singapore là một nhà xuất khẩu lớn về máy móc và thiết bị điện tử, nhưng dữ liệu từ Ban Phát triển Kinh tế (EDB), cơ quan chính phủ trực thuộc Bộ Công nghiệp và thương mại Singapore, cho thấy sản lượng đồ điện tử tháng 7 ở Singapore đã giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng ngành bán dẫn cũng giảm 4,1%, trong khi một số linh kiện điện tử khác giảm 19,7% do “số đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc giảm xuống.”

Đề cập đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chuyên gia Chua Hak Bin nói: “Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhiều nước ASEAN... Nhưng việc xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tồi tệ trong thời gian qua... Do Singapore phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, nước này sẽ cảm nhận được điều đó.”

3. Du lịch

Theo các chuyên gia kinh tế, kể từ khi đại dịch bùng phát, chính sách “Không COVID” của Trung Quốc cũng cản trở sự hồi phục ngành du lịch của Singapore.

Theo dữ liệu của cơ quan du lịch Singapore, trước đại dịch, khoảng 3,6 triệu người dân Trung Quốc đã đến Singapore vào năm 2019, chiếm 13% tổng lượng du khách. Tuy nhiên, trong năm 2021, con số này chỉ là 88.000 khách.

Ông Chua Hak Bin nhấn mạnh: “Khi nhìn vào số lượt khách đến, con số này vẫn thấp hơn 1/3 mức trước đại dịch... Các du khách Trung Quốc vẫn vắng bóng.”

Chuyên gia Irvin Seah cho biết ông “không loại trừ khả năng” Singapore sẽ trải qua ít nhất 1 quý tăng trưởng âm. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các điều kiện kinh tế ở nước này đang được bình thường hóa. Ông nói: “Hôm nay, chúng tôi chắc chắn đang mạnh hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.”

Thái Lan

Theo giới chuyên gia, Thái Lan cũng sẽ là một trong những nước đầu tiên chịu ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế Mỹ.

1. Du lịch

Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào ngành du lịch. Mức chi tiêu cho du lịch chiếm khoảng 11% GDP Thái Lan năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Dữ liệu của WB cho thấy cùng năm đó, nước này đón 40 triệu khách du lịch và thu về hơn 60 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2021, chỉ có 428.000 khách nước ngoài đến Thái Lan và tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt 1,5%, một trong những mức tăng thấp nhất ở Đông Nam Á.

Theo ông Chua, Thái Lan có thể trở thành nước tiếp theo rơi vào suy thoái sau Singapore. Tuy nhiên, “lá bài tẩy” của Thái Lan sẽ là thời điểm Trung Quốc mở cửa trở lại - yếu tố có thể quyết định xem liệu nền kinh tế Thái Lan có thể trở lại “với mức tăng cao nhất” hay không.

Theo chuyên gia Seah, các du khách Trung Quốc chưa trở lại Thái Lan và điều này đặt nền kinh tế Thái Lan vào “một tình trạng còn bất ổn hơn.” Ông nói: “Chừng nào các du khách Trung Quốc chưa trở lại, Thái Lan sẽ tiếp tục phải vật lộn. Tăng trưởng đang ở mức thấp, trong khi lạm phát lại cao và đồng Baht của Thái Lan đang chịu áp lực.”

Đồng tiền của Thái Lan đang dao động quanh mức 36 Baht/USD, giảm 20% so với 3 năm trước, thời điểm đại dịch chưa bùng phát.

2. Áp lực lạm phát

Dữ liệu của Refinitiv cho hay tỷ lệ lạm phát ở Thái Lan đã chạm mốc 7,66% trong tháng 6/2022, mức cao nhất trong 14 năm qua. Ngân hàng Thái Lan mới chỉ 1 lần đạt đỉnh lãi suất kể từ năm 2018.

Ông Chua nói: “Lạm phát toàn phần ở Thái Lan đang rất cao, nhưng lạm phát cơ bản không cao như vậy, xét về tương quan cũng không. Tất nhiên, tăng trưởng thấp hơn nhiều, do đó họ không cảm thấy bị hối thúc phải thắt chặt chi tiêu quá mức.” Ông chỉ ra rằng Indonesia và Philippines nhiều khả năng sẽ chịu tác động ít hơn từ sự suy thoái của Mỹ do các nước này có “nền kinh tế hướng nội.”

Báo cáo của Maybank nêu rõ: “Indonesia và Philippines được bảo vệ nhiều hơn trước sự suy giảm nhu cầu từ bên ngoài cũng như sự suy thoái của Mỹ, với việc cả 2 nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn năm 2008-2009.”

Theo dữ liệu của World Bank, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, tăng trưởng GDP tại Indonesia và Philippines cao hơn so với Singapore và Thái Lan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.