Những ngành hàng nào được hưởng lợi từ hiệp định CPTPP?

Hiệp định CPTPP là hiệp định có mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn và kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Những ngành hàng nào được hưởng lợi từ hiệp định CPTPP? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng nay (2/11), Chủ tịch nước đã đọc tờ trình trước quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Đây là hiệp định có mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn và kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

[Sáng nay, 2/11 Quốc hội nghe trình xem xét phê chuẩn hiệp định CPTPP]

Động lực để thu hút đầu tư

Theo thống kê của Bộ Công Thương, các nền kinh tế thành viên thuộc CPTPP (bao gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore) chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân với tổng kim ngạch thương mại hơn 10 nghìn tỷ USD.

Tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy mở cửa thị trường, phát triển đầu tư với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Gần 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ được đưa về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực và 86,5% mặt hàng thuế sẽ về 0% sau 3 năm.

Đánh giá về hiệp định này, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam, hiệp định CPTPP sẽ đem lại cơ hội nhiều hơn thách thức đối với ngành gỗ.

Chia sẻ thêm, ông Quyền cho biết, sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, tất cả các dòng thuế với gỗ bằng 0% và khi thuế giảm sẽ có tác động rất lớn trong việc đầu tư và đổi mới công nghệ.

“Trước đây chúng ta thường mua thiết bị công nghệ của Trung Quốc… nhưng bây giờ có thể mở rộng hơn, mua thiết bị của Nhật Bản hay các nước phát triển… với thiết bị tốt, thuế lại bằng 0% sẽ có tác dụng rất lớn cho ngành gỗ. Hơn nữa, các quốc gia trong CPTPP cũng có nhiều kinh nghiệp trong lĩnh vực này nên Việt Nam sẽ thông qua đó học hỏi được cách quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là kinh nghiệm về sản xuất gỗ hợp pháp, bảo vệ môi trường,” ông Nguyễn Tôn Quyền nói.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia hiệp định CPTPP còn mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho rằng, đây là hiệp định thế hệ mới nên về mức độ hợp tác sâu hơn các hiệp định cũ. Điều quan trọng là hiệp định mới này sẽ kêu gọi được đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển hoặc làm công nghệ phục vụ nuôi biển thuận lợi hơn nhiều bởi những nước trong hiệp định đều là những nước có thế mạnh có thể hợp tác được.

Tuy vậy, đại diện Hiệp hội này cho rằng, cơ hội đồng thời cũng là thách thức, thậm chí để thu hút được đầu tư chất lượng hay không còn tùy thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp.

“Trong lĩnh vực nuôi biển, hàm lượng công nghệ lớn nên rất có điều kiện để thu hút đầu tư. Thực tế, ngư dân trong lĩnh vực này có kinh nghiệm rất khá nhưng kỹ thuật và các thiết bị công nghệ còn yếu nên tôi hy vọng với cơ hội mới về đầu tư thông qua CPTPP hy vọng sẽ thu hút được,” Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam chia sẻ thêm.

Thách thức là cơ hội để đổi mới

Cũng như rất nhiều các Hiệp định thương mại khác, CPTPP mang đến nhiều cơ hội cho hàng hóa XK của Việt Nam từ cam kết mở cửa thị trường của các nước khác nhưng đồng thời, với những cam kết cắt giảm thuế quan của mình trong hiệp định, một số ngành kinh tế của Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn từ hàng hóa nhập khẩu từ các nước CPTPP.

Một số ngành được dự báo có thể phải có thêm những nỗ lực để có thể đứng vững và phát triển, Trong đó, đáng kể là ngành dược, mía đường, và thức ăn chăn nuôi. Tiến sỹ Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam lo ngại áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn sẽ giảm từ 5% xuống 0%.

Theo chuyên gia này, do qui mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong nước còn nhỏ, trong khi nhiều nước thành viên CPTPP có nền công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học công nghệ tốt hơn, do vậy sản phẩm của họ sẽ có lợi thế về giá thành và chất lượng.

Có thể thấy, thách thức thì nhiều, song thách thức cũng lại chính là cơ hội để Việt Nam đổi mới. Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam là một nền kinh tế mở và đang tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, do vậy khi tham gia CPTPP, nhiều sản phẩm nhất là nông sản, thực phẩm sẽ có được một động lực rất lớn về thị trường, cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng, CPTPP sẽ tạo ra sự đổi mới, đầu tiên là lòng tin của thị trường, của nhà đầu tư và của doanh nghiệp vào nỗ lực tiếp tục hội nhập sâu rộng. Bởi theo chuyên gia này, CPTPP chính là một hiệp định chất lượng cao, có rất nhiều tác động đến cải cách thể chế./.

Hiệp định CPTPP đã được 11 nước thành viên bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Đến nay, đã có 6 nước phê chuẩn CPTPP gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.
Canada chính thức phê chuẩn hiệp định CPTPP. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.