Những người giữ hồn Trung Thu truyền thống: Phục hồi con giống đồ chơi

Theo sự hướng dẫn của nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh, kết hợp với ký ức và phác họa của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã từng bước phục hồi những con giống đồ chơi làm bằng bột.
Những con tò he màu sắc làm bằng bột luôn hấp dẫn trẻ em. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những con giống nặn bằng bột - món đồ chơi Trung Thu yêu thích một thời của trẻ em ngày xưa, sau mấy chục năm vắng bóng, tưởng đã thất truyền, nhưng nay đã được một nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu - người xã Xuân La, huyện Phú Xuyên, Hà Nội phục hồi, trở thành đồ chơi yêu thích của các bạn nhỏ trong dịp Tết Trung Thu này.

Ngộ nghĩnh con giống bột

Những ngày Tết Trung Thu năm 2019, trước cửa số nhà 50 trên phố Hàng Mã xuất hiện một gian hàng nhỏ bày bán hàng trăm con giống ngộ nghĩnh các loại.

Từ những con vật quen thuộc quanh ta như lợn, gà, trâu, chó, dê, cá… cho đến những con vật ít được thấy như hổ, rồng, sư tử…

Mỗi con một vẻ, mỗi con một màu sắc khác nhau, một tư thế nằm - ngồi khác nhau, nhưng con nào nhìn cũng rực rỡ, ngộ nghĩnh và đáng yêu.

Vừa ngồi bán hàng, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu vừa tiếp tục nặn các con giống, những mâm ngũ quả đáng yêu để phục vụ tại chỗ cho những khách có nhu cầu.

Bàn tay nghệ nhân trẻ cứ thoăn thoắt vê, nặn, vuốt… rồi cho ra đời những con giống, những mâm ngũ quả, những chú Cuội, chị Hằng hay ông tiến sỹ vô cùng sinh động, đẹp mắt, giữa cái nhìn thán phục những người xung quanh.

Gian hàng nhỏ thu hút rất đông khách ghé thăm, đặc biệt là các em nhỏ. Em nào cũng tò mò, lạ lẫm trước tạo hình những con giống ngộ nghĩnh, đáng yêu hay những mâm ngũ quả xinh xắn.

Không chỉ thu hút trẻ em, nhiều người lớn khi nhìn thấy gian hàng trưng bày những con giống của nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng bị hấp dẫn.

[Gặp gỡ gia đình duy nhất còn giữ nghề làm mặt nạ bồi ở phố cổ Hà Nội]

Bà Nguyễn Thị Cần, ở gần chợ Đồng Xuân, năm nay đã ngoài 60 tuổi cho biết, khi còn nhỏ, dịp Tết Trung Thu, bà thường được bố mẹ mua cho những con giống nặn bằng bột giống như thế này để chơi.

Mấy chục năm qua, giờ bà mới lại nhìn thấy những đồ chơi quen thuộc với mình khi còn nhỏ.

Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu cho biết, những con giống mà anh nặn bằng bột ngày xưa rất thịnh hành ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nhưng sau này hầu như không còn người nặn.

Mấy năm gần đây, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, một Việt kiều rất tâm huyết với văn hóa truyền thống đã tìm về Việt Nam, tìm cách để phục hồi thú chơi con giống, một thú chơi truyền thống ngày xưa.

Phục hồi thú chơi truyền thống

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu, người luôn trăn trở với nghề nặn tò he. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, trước những năm 1960, mỗi dịp Rằm tháng Tám là các con giống nặn bằng bột lại được bày bán khắp nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam, như một thành phần không thể thiếu cho mâm cỗ Trung Thu.

Những con giống bằng bột này không chỉ hấp dẫn trẻ con, mà nhiều khi còn hấp dẫn cả người lớn.

Sau này, một số người Bắc di cư cũng đem theo truyền thống này vào miền Nam và nó tồn tại ở đây cho đến khoảng cuối thập niên 1980.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết, những con giống bột anh phục hồi thời gian qua chủ yếu thuộc ba loại gồm con giống bột Trung Thu Đồng Xuân, thường là những con vật nuôi gần gũi với con người thời xưa như trâu, ngựa, dê, chó, gà, lợn (gọi chung là bộ lục súc).

Bên cạnh đó, cũng còn có một số con vật, đồ vật thân quen với đời sống thường ngày như con cua, con cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả…

Một loại nữa là con giống của Phố Khách (các phố của người Tàu quanh khu phố cổ ngày xưa) thường cầu kỳ, tinh xảo hơn, chủ yếu là các con vật trong thần thoại như nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá hóa long, con thiềm thừ…

Loại thứ ba là con giống bột của Phú Xuyên, thường được gọi là bánh chim cò, kiểu dáng không bị bó buộc mà thay đổi tuỳ theo bàn tay sáng tạo của từng thợ, được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu từ thiên nhiên, sau khi chơi xong có thể hấp lên ăn được.

Trong ba loại con giống bằng bột đó, hai loại là con giống bột Trung thu Đồng Xuân và con giống Phố Khách gần như đã thất truyền vào đầu năm 90 và không còn ai làm.

Với mong muốn phục hồi những con giống cổ, nhà nghiên cứu Trịnh Bách nhớ lại hình dáng những con giống bột ngày xưa cha mẹ vẫn mua cho ông chơi, rồi vẽ phác họa lại.

Thấy Đặng Văn Hậu là người có tay nghề nặn tò he rất vững, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách đã mời anh Hậu cùng tham gia dự án phục hồi những con giống cổ.

Ông còn lặn lội tìm đến nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh (hiện ở Trung Hòa, Hà Nội), là người trước kia nặn con giống rất đẹp, thuyết phục nghệ nhân giúp đỡ phục hồi những con giống bằng bột.

Nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh nhiệt tình chỉ dạy, huấn luyện từ việc pha bột cho đến giai đoạn quang dầu…

Theo sự hướng dẫn của nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh, kết hợp với ký ức và những phác họa của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã từng bước phục hồi lại những con giống bằng bột như ngày xưa.

Từ con giống chợ Đồng Xuân, đến con giống Phố Khách, con giống Xuân La… và bày bán trên phố cổ Hà Nội, trưng bày tại các triển lãm Trung Thu truyền thống.

Không chỉ phục hồi con giống bằng bột cổ, Đặng Văn Hậu còn tự mình sáng tạo ra những nhân vật từ trong sách vở, trong truyện cổ tích như chú Cuội, chị Hằng, ông tiến sỹ và nặn rất sinh động.

Sau này, Đặng Văn Hậu lại có sáng kiến trộn một vài loại keo vào bột giúp cho con giống và màu sắc có thể tồn tại gần lâu như đồ gốm sứ và không bị mốc.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết, năm 2019, nhà nghiên cứu Trịnh Bách và bạn của ông có gửi cho anh thêm một số bức ảnh chụp những con giống Trung Thu Phố Khách ngày xưa hiện đang được lưu giữ tại Viện bảo tàng của Pháp, trong đó có nhiều mẫu con giống rất lạ, anh cũng không biết đó là con gì.

Đến nay, anh đã dựa theo các mẫu con giống trong ảnh phục hồi được khoảng hơn chục mẫu mới như con anh vũ, thiềm thừ, rắn… những mẫu này vừa đưa ra khách đã mua ngay.

“Lúc đầu khi mới phục hồi, tôi cũng lo người dân không tiếp nhận, nhưng đến giờ, tôi rất mừng, bởi những con giống cổ phục hồi được bà con đón nhận. Tôi hoàn toàn yên tâm và cũng có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu, phục hồi. Sau mùa Trung Thu, tôi sẽ dành thời gian tiếp tục nghiên cứu, phục hồi thêm các mẫu con giống để giới thiệu với khách” - nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục