Những người “say nghề” chữa bệnh cho cồng chiêng ở Gia Lai

Nghề chỉnh chiêng không phải học là được mà phải có sự đam mê và năng khiếu âm nhạc nên từ trước đến nay, nghệ nhân chỉnh chiêng luôn được xem là “báu vật” của cộng đồng dân làng ở Tây Nguyên.
Những người “say nghề” chữa bệnh cho cồng chiêng ở Gia Lai ảnh 1Nghệ nhân Ksor Siơh (thứ hai từ phải sang), dân tộc Jrai, sinh năm 1958, làng Kly, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) là nghệ nhân chỉnh chiêng có tiếng ở Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Ở Tây Nguyên, cồng chiêng được xem là linh hồn của các buôn làng. Theo đó, có những người con sinh ra để làm nghề “bác sỹ” - khám, chữa bệnh cho cồng chiêng mỗi khi chúng hư hỏng, lạc tông nhạc.

Mặc dù còn rất ít những người biết chỉnh chiêng trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Gia Lai, nhưng một khi đã đam mê, những người này “say nghề” không dứt.

Theo thời gian, số lượng các bộ cồng chiêng ngày một ít đi vì hư hỏng. Nghệ nhân chỉnh chiêng đã hiếm, thế hệ tiếp nối càng khan hiếm hơn, chính vì thế những nghệ nhân chỉnh chiêng trẻ được ví như "của quý" của dân làng.

Anh Rơ Châm Van, dân tộc Jrai, sống tại làng Bồ 1, xã Ia Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai) là con trai của một nghệ nhân chỉnh chiêng nổi tiếng trong vùng. Anh Rơ Châm Van dù chỉ mới 31 tuổi nhưng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chỉnh chiêng. Nhiều bộ cồng chiêng quý trong vùng bị hư hỏng, lạc tông đều được anh chỉnh sửa miễn phí.

Thông thường chiêng hỏng được anh Van gõ từ chính giữa xoay vòng theo chiều kim đồng hồ cho đến vòng ngoài cùng của chiêng. Chỉ với 1 chiếc dùi nhỏ, cùng đôi bàn tay khéo léo và một tâm hồn nhạy cảm với âm thanh, anh Rơ Châm Van đã thổi hồn cho những chiếc chiêng lệch nhịp, lạc tông được hồi sinh trở lại.

Là một trong những người trẻ nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai biết chỉnh chiêng, anh Van tâm sự anh say mê công việc này từ bé, khi được hàng ngày ngồi xem cha tôi tỉ mỉ gõ, nắn từng chiếc cồng, chiếc chiêng cũ để hòa âm cùng dàn nhạc.

Anh thường xuyên cùng các già làng chỉ dạy cho các em trong làng đánh cồng chiêng và mong muốn có nhiều bạn học việc chỉnh chiêng để có thế hệ kế cận. Nếu không chỉnh được chiêng, tiếng lạc tông, lạc nhịp thì bài cồng chiêng không còn hay nữa.

[Tưng bừng Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018]

Những người “say nghề” chữa bệnh cho cồng chiêng ở Gia Lai ảnh 2Anh Rơ Châm Van (ngồi giữa), 31 tuổi, dân tộc Jrai, sống tại làng Bồ 1, xã Ia Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai) đam mê chỉnh chiêng từ bé. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 5 ngàn bộ cồng chiêng, trong đó khoảng 1 ngàn bộ cồng chiêng quý, được người dân gìn giữ qua nhiều đời. Dù là những nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng chuyên nghiệp nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không thể tự sản xuất ra cồng chiêng mà những bộ chiêng ngày nay thường là các loại chiêng có tuổi đời vài chục, thậm chí vài trăm năm.

Theo thời gian, chúng bị hao mòn, cũ kỹ, hư hỏng và có nhiều bài cồng chiêng không truyền cảm vì âm thanh phô, lạc nhịp. Bởi vậy, vai trò của những nghệ nhân chỉnh chiêng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là rất quan trọng.

Vấn đề này cũng được các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên đặc biệt quan tâm, bởi cồng chiêng là linh hồn của văn hóa Tây Nguyên.

Trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho hay các bộ cồng chiêng tại Tây Nguyên được xem như tài sản vô giá của dân làng.

Khi mua về, nó chỉ mới là tài sản chứ chưa phải là nhạc cụ, vì thế rất cần những bàn tay, khối óc của các nghệ nhân chỉnh chiêng. Vai trò của họ không thể thiếu trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, có thể nói rằng không có họ thì không có nghệ thuật cồng chiêng.

Với những nghệ nhân chỉnh chiêng, cồng chiêng hư hỏng như chính người thân của mình đau ốm. Như một bác sỹ chữa bệnh cho cồng chiêng, họ chỉ muốn tiếng cồng, tiếng chiêng được khỏe, được ngân vang cùng âm thanh đại ngàn để chứng tỏ cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên luôn vui tươi, khỏe mạnh.

Để gìn giữ được nghề, họ sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để truyền dạy cho thế hệ tiếp theo.

Điển hình trong đó có nghệ nhân Ksor Siơh, dân tộc Jrai, sinh năm 1958, làng Kly, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai).

Ông là người “say nghề” chữa bệnh cho cồng chiêng từ khi còn trẻ. Mấy chục năm làm nghề, đến nay nghệ nhân Ksor Siơh vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu như máu thịt đối với những chiếc cồng chiêng của dân tộc mình.

Mân mê từng chiếc chiêng như thể đứa con mình, nghệ nhân Ksor Siơh kể lại những lần thức trắng đêm để cố chỉnh lại tiếng cho những chiếc chiêng hỏng, hay những lần lặn lội đường xa đến tận buôn làng có chiếc cồng hỏng để kịp thời “chữa bệnh” cho chúng. Ông chỉ mong có những lớp thanh niên kế cận nhưng việc đó là rất hiếm hoi.

Nghệ nhân chỉnh chiêng Ksor Siơh tâm huyết: “Tôi nghĩ nếu có bạn trẻ nào đó đam mê về chỉnh chiêng thì tôi sẽ bỏ hết thời gian công sức ra truyền nghề. Vì bây giờ nếu không có ai chỉnh chiêng, coi như bộ chiêng đó phải bỏ đi. Điều đó đồng nghĩa với việc văn hóa dân tộc sẽ bị mai một, quên lãng.”

Ngoài việc chỉnh chiêng cho bà con dân làng gần xa, nghệ nhân Ksor Siơh cũng thường xuyên tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, dạy chỉnh chiêng để truyền kinh nghiệm cho thế hệ con cháu giữ lấy văn hóa dân tộc.

Nghề chỉnh chiêng không phải học là được, mỗi nghệ nhân phải có sự đam mê và năng khiếu trong thẩm thấu âm nhạc, nên từ trước đến nay, nghệ nhân chỉnh chiêng luôn được xem là “báu vật” của cộng đồng dân làng.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong suốt thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của số ít những nghệ nhân chỉnh chiêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.