Những nhân tố khiến triển vọng kinh tế của Italy trở nên u ám

Italy phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, khiến nước này dễ bị tổn thương trong cuộc xung đột ở Ukraine, thậm chí có khả năng rơi vào suy thoái trong năm nay.
Những nhân tố khiến triển vọng kinh tế của Italy trở nên u ám ảnh 1Người dân và du khách đi dạo ở Via dei Condotti, Rome (Italy). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng “Financial Times,” sự lạc quan kinh tế tại Italy hồi đầu năm 2022 đang suy giảm nhanh chóng khi chi phí sinh hoạt của nước này tăng lên do xung đột tại Ukraine và giá năng lượng tăng vọt.

Đầu năm 2022, Italy đã sẵn sàng cho một năm tăng trưởng vượt bậc và những cải cách cơ cấu, được sự lãnh đạo của Thủ tướng Mario Draghi và sự rót vốn của Liên minh châu Âu (EU) đảm bảo.

Nỗ lực duy nhất trong một thế hệ nhằm khắc phục những điểm yếu kinh niên và nâng cao quỹ đạo tăng trưởng dài hạn, được tài trợ một phần bởi 191 tỷ euro (163,4 tỷ USD) trong kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro của EU, đang được tiến hành.

[Italy hối thúc EU hành động đối phó với giá năng lượng tăng]

Nhưng triển vọng kinh tế đã nhanh chóng trở nên ảm đạm đến mức Italy có khả năng rơi vào suy thoái trong năm nay.

Mọi đà phát triển được xây dựng trong năm 2021 đều bị sụt giảm do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, vốn đang bóp nghẹt thu nhập của các hộ gia đình và phá hủy các doanh nghiệp nhỏ manh mún.

F.lli Gondola, chủ một quán cà phê và cửa hàng bánh ngọt ở Frattamaggiore, nói: “Hiện nay thật khó, thật sự khó, giống như trong đại dịch COVID-19. Sự khác biệt duy nhất là lần này, mọi người không phải đeo khẩu trang."

Italy không phải là nền kinh tế châu Âu duy nhất đối mặt với thời kỳ khó khăn.

Brussels gần đây đã giảm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU trong năm nay xuống 2,7%, so với dự báo 4% vào tháng 2/2022. Lạm phát đang tăng lên ở các nền kinh tế phía Đông châu Âu, ở Đức và ở Hà Lan.

Tuy nhiên, Italy phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, khiến nước này dễ bị tổn thương trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Lorenzo Codogno, cựu tổng giám đốc Bộ kinh tế và tài chính Italy, nói: “Một số quốc gia dễ bị tổn thương hơn những quốc gia khác. Trong số các quốc gia lớn, Italy cũng phải đối mặt với chi phí năng lượng cao như Đức, và có lẽ còn hơn thế nữa... Đó là một cú sốc thương mại lớn đối với người tiêu dùng, có nghĩa là cả nước trở nên nghèo hơn.”

Một thỏa thuận được ký với Algeria để cung cấp khí đốt từ Bắc Phi sẽ mất nhiều năm mới có kết quả.

Khả năng suy thoái kinh tế và dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 7/2022 đang làm dấy lên lo ngại về tình hình tài chính dài hạn của Italy.

Với tỷ lệ nợ trên GDP cao thứ hai sau Hy Lạp và thâm hụt của chính phủ cao nhất trong số nền kinh tế lớn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, vị trí của Italy rất bấp bênh.

Các thị trường đã có cái nhìn ảm đạm hơn về triển vọng của Italy.

Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy và của Đức, được coi là thước đo rủi ro chính trị và kinh tế trong khu vực đồng euro, đã tăng cao tới 2 điểm phần trăm trong những tuần gần đây, mức cao nhất kể từ giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, khi các nhà đầu tư bán phá giá những trái phiếu chính phủ rủi ro hơn.

Italy đang trên con đường củng cố tài khóa. Mức thâm hụt ngân sách mục tiêu là 5,6% được dự báo cho năm nay, giảm so với mức 7,2% của năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng giảm mạnh sẽ làm dấy lên nghi ngờ về thâm hụt ngân sách.

Lucrezia Reichlin, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London, nói: “Nếu GDP sẽ suy yếu một cách thực chất, thì động lực này cũng giảm. Thị trường hiện đã trở nên khá bi quan và khả năng suy thoái trong năm 2022 là điều mà nhiều người báo."

Dòng tiền đầu tư của EU là một trong những điểm tích cực. Người dân Italy cũng tích lũy được khoản tiết kiệm cao hơn bình thường trong thời gian phong tỏa do COVID-19, hiện có thể được rút ra để duy trì tiêu dùng. Nhưng theo Codogno, những yếu tố này sẽ giảm dần và tác động lớn đến thu nhập khả dụng trong những quý tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.