Những tác động về kinh tế khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Việc mở cửa trở lại hiện tại của Trung Quốc có thể sẽ mang lại thành công, nhưng việc Trung Quốc sẽ cởi mở như thế nào vẫn còn phải chờ xem.
Những tác động về kinh tế khi Trung Quốc mở cửa trở lại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trong hơn ba năm, Trung Quốc đã "đóng cửa" với thế giới. Hầu hết sinh viên nước ngoài rời khỏi Trung Quốc khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Khách du lịch Trung Quốc đã ngừng đi tham quan; các nhà khoa học Trung Quốc đã ngừng tham dự các hội nghị nước ngoài, trong khi giám đốc điều hành người nước ngoài bị cấm quay trở lại công việc kinh doanh ở Trung Quốc.

Vì vậy, khi Trung Quốc mở cửa biên giới vào ngày 8/1 tới, qua đó từ bỏ những tàn dư cuối cùng của chính sách “Không COVID,” việc đổi mới tiếp xúc thương mại, trí tuệ và văn hóa sẽ có những tác động to lớn, trong đó chủ yếu là lành tính.

Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist, những tác động trước tiên sẽ là tương đối đáng sợ. Bên trong Trung Quốc, virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành. Hàng chục triệu người phơi nhiễm mỗi ngày và các bệnh viện quá tải.

Mặc dù chính sách “Không COVID” đã cứu sống nhiều người, nhưng Chính phủ Trung Quốc dường như vẫn chưa sẵn sàng cho việc nới lỏng chính sách này bằng cách dự trữ thuốc, tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhiều người già hơn và áp dụng các quy trình mạnh mẽ để quyết định bệnh nhân nào sẽ điều trị ở đâu.

Những cánh cửa được mở ra

Các chuyên gia cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể bị thu hẹp trong quý đầu tiên, đặc biệt nếu các quan chức địa phương đảo ngược hướng đi và phong tỏa các thị trấn để ngăn chặn sự lây lan. Nhưng cuối cùng, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ, cùng với nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa, dịch vụ và hàng hóa.

Tác động sẽ được cảm nhận trên các bãi biển của Thái Lan, giữa các công ty như Apple và Tesla, và tại các ngân hàng trung ương của thế giới. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là sự kiện kinh tế lớn nhất của năm 2023.

Khi một năm trôi qua và đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất qua đi, nhiều người sẽ trở lại làm việc. Người mua sắm và khách du lịch Trung Quốc sẽ chi tiêu thoải mái hơn.

[Chuyên gia dự đoán kinh tế Trung Quốc phục hồi ổn định trong năm 2023]

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba tháng đầu năm 2024 của Trung Quốc có thể cao hơn 10% so với quý đầu tiên đầy khó khăn của năm 2023.

Trung Quốc hy vọng sẽ được đánh giá dựa trên sự phục hồi kinh tế sắp tới. Trong bài phát biểu cuối năm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông cảm ơn những người làm công tác phòng dịch đã dũng cảm bám trụ và cho rằng “những thách thức cam go” phía trước, hứa rằng “ánh sáng hy vọng đang ở ngay trước mặt chúng ta.”

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh về cơ hội phục hồi kinh tế nhanh chóng vào năm 2023 và đưa ra những lý do để tự hào khi sống ở một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Đây sẽ là tin tốt cho những nơi phụ thuộc vào chi tiêu của nước này. Các khách sạn ở Phuket và trung tâm thương mại ở Hong Kong (Trung Quốc) đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi người dân Trung Quốc bị phong tỏa. Bây giờ, những người du lịch Trung Quốc đang đổ xô vào các trang web du lịch. Lượng đặt phòng trên Trip.com đã tăng 250% vào ngày 27/12 so với ngày hôm trước.

Các nhà xuất khẩu hàng hóa mà Trung Quốc tiêu thụ cũng sẽ được hưởng lợi. Trung Quốc mua 1/5 lượng dầu của thế giới, hơn một nửa lượng đồng, nickel và kẽm tinh chế và hơn 3/5 quặng sắt.

Những tác dụng phụ

Tuy nhiên ở những nơi khác, sự phục hồi của Trung Quốc sẽ mang lại những tác dụng phụ đau đớn. Ở nhiều nơi trên thế giới, điều đó có thể không phải là tăng trưởng cao hơn, mà là lạm phát hoặc lãi suất cao hơn.

Những tác động về kinh tế khi Trung Quốc mở cửa trở lại ảnh 2Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt để kiềm chế lạm phát. Nếu việc mở cửa trở lại của Trung Quốc làm tăng áp lực giá cả lên một mức độ khó chịu, thì họ sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ lâu hơn. Các quốc gia nhập khẩu hàng hóa, bao gồm phần lớn các nước phương Tây, có nguy cơ bị gián đoạn lớn nhất.

Trên thị trường dầu mỏ, nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ bù đắp nhiều hơn cho mức tiêu thụ đang chững lại ở châu Âu và châu Mỹ. Theo ngân hàng Goldman Sachs, sự phục hồi nhanh chóng ở Trung Quốc có thể đẩy giá dầu thô Brent lên 100 USD/thùng, tăng 1/4 so với giá hiện nay (mặc dù vẫn thấp hơn mức đạt được sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine).

Chi phí năng lượng tăng cao sẽ là một rào cản khác đối với việc kiểm soát lạm phát. Đối với châu Âu, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một lý do khác để không tự mãn về nguồn cung khí đốt vào cuối năm.

Do chính sách “Không COVID," nhu cầu về khí đốt của Trung Quốc giảm đã khiến cho việc lấp đầy các bể chứa khí ga của châu Âu trong năm 2022 trở nên ít tốn kém hơn.

Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc cạnh tranh nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ nhiều hơn. Vào tháng 12/2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo về một kịch bản mà mùa Đông bắt đầu đúng vào năm 2023 và Nga cắt hoàn toàn đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu. Điều đó có thể dẫn đến sự thiếu hụt lên tới 7% lượng tiêu thụ hàng năm của “Lục địa già.”

Đối với bản thân Trung Quốc, trạng thái bình thường sau đại dịch sẽ không phải là sự trở lại hiện trạng trước đó. Sau khi chứng kiến chính phủ thực thi quy định “Không COVID” một cách hà khắc và sau đó dỡ bỏ, khiến nhiều nhà đầu tư hiện coi Trung Quốc là một “vụ cá cược” rủi ro hơn.

Các công ty nước ngoài lo ngại rằng hoạt động của họ nhiều khả năng sẽ bị gián đoạn và nhiều người sẵn sàng trả chi phí cao hơn để sản xuất ở nơi khác. Đầu tư trong nước vào các nhà máy mới dường như đã chậm lại, trong khi số lượng các công ty chuyển hoạt động kinh doanh ra bên ngoài Trung Quốc đã tăng vọt.

Quá trình mở cửa trở lại trước đây của Trung Quốc đã dẫn đến sự bùng nổ thịnh vượng khi hàng hóa, con người, đầu tư và ý tưởng tràn qua biên giới theo cả hai hướng. Cả Trung Quốc và thế giới đều được hưởng lợi từ những dòng chảy như vậy, điều mà các chính trị gia ở cả hai nước đều hiếm khi thừa nhận.

Việc mở cửa trở lại hiện tại của Trung Quốc có thể sẽ mang lại thành công, nhưng việc Trung Quốc sẽ cởi mở như thế nào vẫn còn phải chờ xem./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.