Phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch luôn là xu hướng tất yếu trước nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Theo xu thế đó, nhiều năm nay, tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực xây dựng các mô hình sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề đầu ra cho nông sản sạch là một trở ngại, thách thức lớn. Vì thế, tỉnh Trà Vinh đang rất cần những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ “nút thắt” này.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học được thí điểm thành công đầu tiên tại 2 xã Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh ở vụ Thu Đông 2015, do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chủ trì.
Đến năm 2016, lúa hữu cơ sinh học tại 2 xã cù lao này đã được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế EU, USDA và JAS.
Các hộ tham gia mô hình được tập huấn và hướng dẫn quy trình sản xuất lúa hữu cơ đúng cách, ghi chép sổ sách tất cả các hoạt động sản xuất như gieo sạ, chăm sóc, bón phân, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh...
Nông dân được ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp theo giá ưu đãi từ 125-155% so với giá lúa ngoài thị trường. Cây lúa trong mô hình tuy năng suất đạt từ 4,3-4,5 tấn/ha, giảm khoảng 1,1 tấn/ha so với sản xuất lúa thông thường, nhưng bù lại tổng chi phí sản xuất lúa hữu cơ giảm 1,1 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, giá lúa hữu cơ cao hơn lúa thường trên 2.000 đồng/kg nên nông dân đảm bảo có lãi cao hơn 2,3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Ngoài ra, nhờ canh tác hữu cơ không sử dụng hóa chất nên nông dân còn có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi thủy sản xen canh hoặc luân canh, khai thác nguồn thủy sản tự nhiên…
Mô hình không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn đảm bảo cho nông dân tránh được thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay; đồng thời giúp môi trường sinh thái được ổn định trên phạm vi rộng, sản phẩm lúa hàng hóa được an toàn và bền vững.
Từ thành công này, tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch vùng trồng lúa hữu cơ 1.000 ha; trong đó, có 500 ha tại 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, diện tích trồng lúa hữu cơ ở 2 xã Long Hòa và Hòa Minh liên tục bị thu hẹp do gặp khó về đầu ra, doanh nghiệp ký kết bao tiêu với số lượng hạn chế nên nông dân không dám canh tác, chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Vụ Thu Đông năm nay, nông dân ở 2 đảo xã này chỉ xuống giống 123 ha lúa hữu cơ, giảm khoảng 100 ha so với vụ trước.
Theo ông Võ Minh Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, trước đây diện tích lúa hữu cơ ở 2 xã này được 3 doanh nghiệp ký kết hợp đồng đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhưng hiện nay chỉ còn 2 doanh nghiệp bao tiêu.
Thời gian qua, mặc dù Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cùng ngành nông nghiệp huyện rất tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hạt lúa hữu cơ ở địa phương nhưng đến nay vẫn chưa tìm thêm được doanh nghiệp kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Khó khăn về đầu ra khiến diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế của địa phương đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Không chỉ có lúa, cây rau màu an toàn của nhiều nông dân Trà Vinh cũng thường xuyên gặp khó khăn vì thị trường tiêu thụ hạn chế.
Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ rau sạch (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) cho biết,cCông ty đã ký hợp đồng bao tiêu với 30 hộ nông dân trồng tổng diện tích 10 ha rau an toàn ở ấp Kênh Xáng, xã Hòa Lợi từ 4 năm nay.
Vùng rau an toàn này đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) chứng nhận đạt chuẩn an toàn theo quy định.
Hiện tại mỗi ngày, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn rau sạch nhưng trong số này chỉ có khoảng 500 kg được bán theo giá rau an toàn tại bếp ăn các trường học trên địa bàn, tức cao hơn giá thị trường khoảng 20%, số còn lại đều được bán như giá rau thường.
[Công nghệ trồng rau sạch của Việt Nam tìm chỗ đứng tại Singapore]
Nhiều năm qua, dù Sở Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ công ty xúc tiến thương mại nhưng đến nay, rau an toàn của công ty vẫn chưa vào được các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trên địa bàn và hệ thống siêu thị trong tỉnh.
Theo ông Lê Ngọc Minh, nguyên nhân là chi phí sản xuất rau an toàn ở Trà Vinh khá cao, mẫu mã chưa bắt mắt nên rất khó cạnh tranh trên thị trường.
Với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân, đồng thời bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, ông Minh dự định năm 2019 sẽ xây dựng 10 ha này thành vùng rau hữu cơ, sản xuất theo quy trình khép kín, đầu tư nhà ươm, cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào cho 30 hộ và bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Minh đang đắn đo bởi bài toán thị trường cho vùng rau hữu cơ này hiện vẫn chưa có lời giải.
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều đại biểu là lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cho rằng, hầu hết các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn ở Trà Vinh đều không tìm được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu.
Nông sản an toàn trong tỉnh cũng phải chịu áp lực của nền kinh tế thị trường như những mặt hàng nông sản khác. Nông dân vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Do không đảm bảo được đầu ra nên việc vận động nông dân sản xuất an toàn gặp khá nhiều khó khăn đối với địa phương./.