Những thách thức lớn của tổng thống Pháp trước một châu Âu chia rẽ

Báo "Le Figaro" (Pháp) có bài viết cho rằng trong nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ phải bảo vệ mô hình châu Âu trong bối cảnh diễn biến phức tạp ở Ukraine.
Những thách thức lớn của tổng thống Pháp trước một châu Âu chia rẽ ảnh 1Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron trong cuộc gặp những người ủng hộ, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2, tại Paris, tối 24/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo "Le Figaro" (Pháp) ngày 10/5 đăng bài viết có tựa đề “Những thách thức lớn của Emmanuel Macron trước sự chia rẽ của các nước trong Liên minh châu Âu.”

Bài viết cho rằng trong nhiệm kỳ thứ 2, ông Macron sẽ phải bảo vệ mô hình châu Âu trong bối cảnh diễn biến phức tạp ở Ukraine. Nội dung bài viết như sau:

Kể từ năm 2017, châu Âu đã trở thành trụ cột trong chính sách đối ngoại của Macron, và tất cả các chủ đề khác đều bám sát trụ cột này. Đối với lĩnh vực hội nhập nội khối, vốn được xem là một ADN của chính sách đối ngoại nêu trên, tổng kết nhiệm kỳ đầu của ông đã cho thấy nhiều thành quả nhất, từ kế hoạch phục hồi ứng phó với khủng hoảng y tế đến những tiến bộ - cho dù còn hạn chế - về "chủ quyền chiến lược" thông qua vai trò lãnh đạo của Pháp trong liên minh, tất cả đều được dư luận nước ngoài thừa nhận.

Hiển nhiên mọi sự kiện đều có một ý nghĩa hoặc tác động nào đó đối với Macron: Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đã đặt nhiều nghi vấn về cam kết của Mỹ đối với châu Âu; Brexit ngày càng gây tiếc nuối ở London đã làm bộc lộ nguy cơ của một cuộc phiêu lưu đơn độc trong thời điểm khó khăn; COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng của Liên minh châu Âu (EU) và cho thấy sự cần thiết phải sửa chữa chúng.

Và trên tất cả, cuộc chiến ở Ukraine đã chứng tỏ tham vọng của Macron trong việc xây dựng một châu Âu tự chủ hơn ở cấp chiến lược là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ trong một vài tuần, khả năng phòng thủ của châu Âu - chủ đề lâu nay ít khi nhận được sự nhiệt tình quan tâm của các đối tác của Pháp trong EU - dường như đã trở thành một nhu cầu hiển nhiên.

Do vậy, về mặt logic, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine và tác động sốc của nó, "dự án châu Âu" của Macron bắt đầu bước sang thời hạn 5 năm mới. Tại trụ sở của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Tổng thống Pháp đã đặt ra một ngưỡng rất cao trong bài phát biểu đầu tiên của ông về chủ đề châu Âu kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng nổ.

[Nhiệm kỳ thứ hai đầy thách thức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron]

Bài phát biểu ngày 9/5 của ông có thể ví như một sự tương phản với bài diễn văn mà Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện tại Quảng trường Đỏ.

Một nhân vật tháp tùng Macron bày tỏ: "Emmanuel Macron muốn khẳng định sức mạnh của nền dân chủ, tự do và đa nguyên, nơi người dân có quyền lựa chọn tương lai của họ, trước một chế độ xét lại đang gây đổ máu trên đất Ukraine."

Việc bảo vệ mô hình châu Âu chống lại mô hình độc tài đối ngược và quân phiệt mà Nga và các đồng minh - đặc biệt là Trung Quốc - đang thúc đẩy trên trường quốc tế sẽ là một trong những thách thức chính trong nhiệm kỳ 5 năm mới của ông.

Tăng cường khả năng phòng thủ của NATO và châu Âu là một chủ đề khác, trong khi Pháp vẫn còn chủ trì Hội đồng EU trong vài tuần nữa. Làm thế nào để đưa Ukraine, Gruzia và Moldova vào "gia đình châu Âu" mà không gây nguy cơ làm tê liệt liên minh, vốn ban đầu chỉ gồm những định chế để quản lý 6 quốc gia sáng lập nhưng nay dường như đã hụt hơi vì số thành viên hiện đã lên tới 27 nước?

Châu Âu cần những công thức nào để tái tạo và trở nên hiệu quả hơn, trong khi vẫn mở rộng vòng tay với không chỉ 3 quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, mà còn với cả các quốc gia ở Tây Balkan - những lời hứa đã được thực hiện từ rất lâu?

Còn một thách thức lớn nữa là xây dựng một nền quốc phòng chung của châu Âu, một ưu tiên của tất cả các tổng thống Pháp nhưng Macron là người muốn đẩy xa hơn nữa. Về lâu dài, thách thức đặt ra là châu lục phải tự tái trang bị, nâng cao năng lực sản xuất quân sự và cuối cùng là nắm lấy an ninh, từ đó đó làm chủ vận mệnh của chính mình.

Trước mắt, thách thức đặt ra từ cuộc chiến ở Ukraine là làm sao bổ sung kho dự trữ quân sự cho một số quốc gia thành viên vốn đã cạn kiệt sau ít lần viện trợ cho Ukraine. Đức đã phá bỏ những điều cấm kỵ trong lĩnh vực này bằng quyết định tái vũ trang, và nhiều nước châu Âu cũng nhanh chóng quyết định tăng ngân sách quốc phòng của riêng mình.

Tuy nhiên, trong khi NATO, một tổ chức quân sự mà năm 2019 Macron cho là "chết não", đang phải vật lộn để tìm kiếm một sứ mệnh mới kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thì tổ chức này cũng một lần nữa tìm được cơ hội để hồi sinh nhờ (Tổng thống Nga) Vladimir Putin.

Các quốc gia châu Âu mới, gồm Thụy Điển và Phần Lan, hiện đang "gõ cửa" NATO và nhiều quốc gia thành viên một lần nữa muốn nhận được sự che chở của liên minh này. Một nhà ngoại giao nhận xét: “Theo một cách nào đó, họ đã trở về nhà.”

Thách thức đặt ra với Macron bây giờ là đồng thời thúc đẩy hệ thống phòng thủ của cả NATO và châu Âu theo một cách thức rạch ròi.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với ông vẫn là tái thống nhất lập trường của cả khối về Nga, quốc gia đang khiến 27 nước thành viên EU chia rẽ. Sau những ngày đầu gắn kết, người ta lại được chứng kiến những rạn mới xuất hiện trong gia đình châu Âu. Đức, Hungary và Slovakia đang kìm hãm kế hoạch cấm vận dầu khí vì những nước này phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Các nước Đông Âu, vốn rất lo ngại mối đe dọa từ Nga và nhận thấy nguy cơ này đang ngày càng hiện rõ, muốn tiến xa hơn trong việc cô lập Nga. Sáng kiến đơn phương của tổng thống Pháp, người đã đề xuất một "đối thoại chiến lược" với Putin tại lâu đài Fort Brégançon hồi tháng 8/2019 đã khiến họ vô cùng lo lắng. Đó là chưa kể các chủ đề khác đã bị cuộc chiến ở Ukraine làm lu mờ nhưng chưa thể biến mất, chẳng hạn như vấn đề nhập cư và hệ lụy của nó đối với bản sắc châu Âu. Rất khó để tìm được sự thống nhất giữa 27 thành viên trong những chủ đề như vậy.

Macron tin tưởng Đức sẽ phối hợp đưa châu Âu vượt qua những giai đoạn quan trọng. Đặc biệt, ông muốn gắn kết Berlin với một kế hoạch phục hồi mới để giải quyết các phí tổn quốc phòng mà cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra.

Tháng 9/2017, bài phát biểu của ông tại Sorbonne đã gây bất ngờ cho Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel, người mà tại thời điểm đó đang nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh. Cựu thủ tướng Đức đã tỏ thái độ “rất lấy làm tiếc” vì tham vọng quá lớn của hội nghị dành riêng cho “chủ quyền của châu Âu” và lộ trình thực hiện, điều đã khiến bà không khỏi bối rối. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã tìm thấy điểm đồng thuận, xây dựng một tình bạn đáng trân trọng để hình dung ra một kế hoạch khôi phục châu Âu.

Việc dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Berlin, như đã thành truyền thống trong ít nhất 15 năm qua, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cặp đôi Pháp-Đức trong tầm nhìn châu Âu của Macron.

Tuy nhiên, quan hệ với đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz không suôn sẻ như Paris có thể mong đợi. Mắc kẹt vào liên minh cầm quyền ba bên, thủ tướng Đức không dễ xử lý các vấn đề liên quan đến quốc phòng, ngân sách và năng lượng.

Đúng là kể từ khi thành lập, châu Âu đã vượt qua tất cả các cuộc khủng hoảng để tiến về phía trước. Tuy nhiên, thực tế mà liên minh đang phải đối mặt hiện nay chắc chắn là một trong những thử thách quan trọng nhất trong lịch sử tồn tại của nó.

Macron phải cảm nhận được mức độ nặng nề của thách thức đang đặt trên vai ông. Nhiều kinh nghiệm hơn thủ tướng Đức, nhiều tham vọng hơn hầu hết các đồng minh châu Âu, với tư cách là người đứng đầu quốc gia duy nhất trong liên minh sở hữu cả khả năng răn đe hạt nhân và tầm nhìn toàn cầu về thế giới, trong 5 năm tới, Macron chính là động lực quan trọng của một châu Âu buộc phải thích ứng với thế giới hiện đại và những mối đe dọa mới trong những năm tới./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.