Nỗ lực định hình lại châu Âu trong bối cảnh mới

Ông Macron muốn phối hợp với Đức thực hiện kế hoạch khôi phục một châu Âu mới sau dịch COVID-19 và trong điều kiện bất ổn địa chính trị, để giải quyết các chi phí và đầu tư mà châu Âu đổ vào Ukraine.
Nỗ lực định hình lại châu Âu trong bối cảnh mới ảnh 1Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc gặp ở Berlin ngày 9/5. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau bài phát biểu khẳng định sự ủng hộ việc xây dựng một "cộng đồng chính trị châu Âu" tại lễ bế mạc Hội nghị tương lai của châu Âu tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ mới tới Đức nhằm xây dựng một mối quan hệ cá nhân mật thiết hơn với Thủ tướng Olaf Scholz, thống nhất quan điểm với lãnh đạo Đức trong một số vấn đề then chốt để phối hợp thúc đẩy các chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU) mà Pháp hiện đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên.

Ngoài các vấn đề song phương, ông đã thảo luận với Thủ tướng Olaf Scholz các vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, những thách thức đảm bảo chủ quyền của châu Âu, đặc biệt trên bình diện quốc phòng và an ninh năng lượng.

Hai bên cũng thảo luận các vấn đề quốc tế lớn trong bối cảnh Đức làm Chủ tịch G7, tình hình ở Sahel, Tây Balkan và mối quan hệ EU-Trung Quốc.

Mặc dù Tổng thống Macron cho biết nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ có những thay đổi, song chuyến thăm Đức lần này cho thấy một điểm tương đồng so với cách đây 5 năm khi ông cũng chọn Đức là chặng dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống. Điều đó cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Berlin trong tầm nhìn của ông với châu Âu.

Trong bữa tối làm việc giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu EU, những vấn đề liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine được đặc biệt chú trọng bởi vấn đề này đang tác động tới nhiều chính sách đối nội và đối ngoại của EU.

Hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức cho biết châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga cũng như hạn chế tác động của các vấn đề phát sinh do nguồn cung năng lượng và lương thực bị gián đoạn liên quan đến cuộc xung đột.

Ông Macron cũng muốn phối hợp với Đức thực hiện kế hoạch khôi phục một châu Âu mới sau đại dịch COVID-19 và trong điều kiện bất ổn địa chính trị, để giải quyết các chi phí và đầu tư mà châu Âu đã đổ vào cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

[Tổng thống Pháp thăm Đức trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên]

Alexandre Robinet-Borgomano, chuyên gia nghiên cứu của Viện Montaigne, nhận định rằng: “Một thách thức lớn đặt ra trước mắt là việc tái vũ trang châu Âu cần phải có ngân sách chung chứ không phải lấy thêm từ nguồn đầu tư quốc gia.” Ông Macron đang chờ đợi sự phản hồi dứt khoát của Thủ tướng Đức, người vẫn tỏ ra thận trọng với các dự án quốc phòng của châu Âu.

Theo giới phân tích, việc phe cực hữu thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp khiến ông Olaf Scholz thờ phào nhẹ nhõm. Vì thế, việc Tổng thống Macron tái đắc cử là một sự đảm bảo để hai bên củng cố “sức mạnh của cặp đôi Pháp-Đức” nhằm thúc đẩy các dự án chung của liên minh châu Âu trong một bối cảnh mới.

Trên thực tế, bản thân ông Macron cũng có thêm động lực khi liên minh “đèn giao thông” cầm quyền ở Đức báo hiệu một viễn cảnh khả quan hơn cho tiến trình hội nhập châu Âu nếu nhìn vào nghị sự chung của các đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), Đảng Xanh và Đảng dân chủ tự do (FDP).

Liên minh cầm quyền ba màu này đã tạo điều kiện thuận lợi để EU thông qua các văn bản liên quan đến các vấn đề quản lý các tập đoàn khổng lồ kỹ thuật số, thuế carbon xuyên biên giới, lương tối thiểu và “La bàn chiến lược” quy định khuôn khổ mới cho chính sách an ninh chung của châu Âu.

Với các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của châu Âu, hai nhà lãnh đạo Olaf Scholz và Emmanuel Macron đang dự kiến thành lập một “liên minh chính phủ hành động xanh,” được xem là sự đảm bảo chắc chắn cho tiến trình hội nhập năng lượng và cụ thể hóa lộ trình “Fit for 55” với mục tiêu giảm 55% khí phát thải đến năm 2030 đã được châu Âu thông qua.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Robinet-Borgomano, không phải mọi chuyện đều thuận lợi với Tổng thống Macron bởi Đức đang đứng trước những thách thức lớn do nền kinh tế đầu tàu châu Âu này phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga cũng như vào thị trường hàng hóa của Trung Quốc.

Nỗ lực định hình lại châu Âu trong bối cảnh mới ảnh 2 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 9/5. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù Thủ tướng Scholz đã nhanh chóng quyết định hủy bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng ông vẫn chưa cho thấy sẽ dứt khoát đoạn tuyệt với nguồn khí đốt của Moskva. Điều này khiến EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị chia rẽ, bất đồng về việc gia tăng các biện pháp trừng Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhất khi châu Âu đang chuẩn bị thực hiện gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga, trong đó có việc ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Moskva.

Trong khi đó, giữa tháng Ba vừa qua, một thông tin rò rỉ cho biết Đức sẽ mua các máy bay F35 của Mỹ để thay thế đội bay chiến đấu Tornado đã cũ kỹ của họ. Động thái này dường như giáng một đòn mạnh vào tham vọng của Tổng thống Pháp xây dựng một châu Âu có khả năng tự bảo vệ chính mình. Đức vẫn chưa mặn mà với chính sách phòng thủ chung, thậm chí tiếp tục đánh giá thấp khả năng công nghiệp quân sự của chính châu Âu.

Đáng nói hơn, cũng như một số quốc gia thành viên khác, đặc biệt là ở Đông Âu và Baltic, bất chấp định hướng “La bàn chiến lược” châu Âu đã được thông qua, dường như Đức vẫn cho rằng không có nỗ lực tái vũ trang nào của châu lục có thể bằng "chiếc ô hạt nhân" của NATO.

Có vẻ như ông Olaf Scholz đang lặp lại cách tiếp cận của người tiền nhiệm Angela Merkel, thận trọng từng bước nhỏ trước khi tiến đến các thỏa hiệp. Điều đó có thể làm chậm tiến trình hiện thực hóa mục tiêu thành lập quỹ phục hồi kinh tế mới và ngân sách quốc phòng chung của châu Âu như kỳ vọng của Tổng thống Macron.

Theo nhận định của Eric Maurice - phụ trách Văn phòng Brussels của Quỹ Schuman, Thủ tướng Olaf Scholz đang nỗ lực định vị mình trên chính trường châu Âu, và vì vậy, ông chưa thể mang lại một điều gì đó mạnh mẽ cho khối này.

Chuyến công du Đức của Tổng thống Macron chắc chắn sẽ góp phần củng cố quan hệ cá nhân mật thiết hơn giữa ông với Thủ tướng Olaf Scholz và mang lại một cảm hứng mới cho quan hệ của "cặp đầu tàu Pháp-Đức."

Chuyến thăm cũng là một tín hiệu quan trọng cho thấy Pháp và Đức đã vượt qua một số khác biệt và thống nhất hơn trong cách thức phản ứng với các cuộc xung đột quốc tế, muốn cải thiện hơn nữa sự phối hợp song phương. Tuy nhiên, có vẻ như tham vọng của ông Macron thúc đẩy tiến trình hội nhập châu Âu theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu vẫn còn nhiều trở ngại ở phía trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.