Dấu ấn của các chiến sỹ Công binh trên những vùng đất hồi sinh

Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng

Mặc dù thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm, thậm chí đối mặt với hy sinh, thương tật suốt đời, Lực lượng Công binh đã không quản ngại khó khăn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng ảnh 1Lực lượng công binh xử lý quả bom phát hiện tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải. (Ảnh: TTXVN phát)

Rà phá bom, mìn sau chiến tranh là công việc nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại, là nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình nên thời gian qua vẫn còn những sự cố đáng tiếc.

Không ít cán bộ, chiến sỹ công binh hy sinh, chịu thương tật suốt đời trong khi làm nhiệm vụ.

Nhưng niềm vui, thành quả từ sự cống hiến, hy sinh của Bộ đội Công binh là các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước in dấu bước chân người lính - Đại tá Hà Huy Khánh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Công binh nhấn mạnh điều này trong cuộc phỏng vấn của phóng viên TTXVN về sự hồi sinh của những vùng “đất chết.”

Bài cuối: Dấu ấn trên những vùng đất hồi sinh

- Thưa Đại tá, thời gian qua, công tác rà phá bom, mìn và vật nổ còn lại sau chiến tranh đã được tiến hành như thế nào?

Đại tá Hà Huy Khánh: Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, từ năm 1975-1977 và từ năm 1991-1998, Nhà nước đã triển khai nhiều chiến dịch về rà phá bom, mìn để giải phóng đất đai nhằm đưa nhân dân về quê hương sinh sống.

Giai đoạn đó, Việt Nam chủ yếu tập trung giải quyết bom, mìn tại một số tỉnh được coi là bị ô nhiễm nặng nằm ở phía Nam và các vùng biên giới.

Khi đó, cơ quan chức năng đã giải phóng hàng trăm ngàn ha đất canh tác, góp phần đắc lực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế cho các địa phương.

Từ năm 1999 đến nay, điều kiện kinh tế đất nước phát triển, nhờ có sự đầu tư trang bị và lực lượng, việc rà phá bom mìn được tiến hành, xử lý triệt để hơn.

Ta tiến hành xử lý bom mìn, vật nổ ở các độ sâu từ 0,3-5 m tính từ mặt đất tự nhiên và tập trung vào khu vực vành đai biên giới cũng như phục vụ thi công công trình trọng điểm của Nhà nước, các công trình phục vụ an sinh, phát triển kinh tế-xã hội.

Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng ảnh 2Nhà nước, Quân đội đã nỗ lực tiến hành rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. (Ảnh: TTXVN phát)

Khối lượng diện tích rà phá bom mìn hằng năm đều tăng lên đáng kể. Từ 2.000 ha/năm trong giai đoạn 1999-2010 tăng lên 50.000 ha/năm từ năm 2013 đến nay.

Phạm vi rà phá được thực hiện trên toàn quốc, cả trên cạn, dưới nước và dưới biển vì mục tiêu giải phóng đất đai, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và theo kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Bom mìn sau chiến tranh.

Giai đoạn này, chúng ta ưu tiên rà phá bom mìn tại những địa phương bị ô nhiễm nặng như các tỉnh miền Trung, các tỉnh giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Tốc độ rà phá bom mìn, hiện bình quân mới đạt khoảng 30-35.000 ha/năm. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, chúng ta phấn đấu đạt khoảng 100.000 ha/năm.

- Rà phá bom mìn là một công việc hết sức nguy hiểm. Để giải quyết dứt điểm tàn dư của chiến tranh, lực lượng Công binh đã chấp nhận khó khăn, nguy hiểm. Đại tá có thể chia sẻ về điều này?

Đại tá Hà Huy Khánh: Phải nói rằng khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh là công việc nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại, là nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình.

Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, chúng ta chủ trương là phân cấp, làm từng bước, từ dễ đến khó.

Hiện tại, những vùng đất chưa được giải phóng là những nơi còn nhiều khó khăn, nguy hiểm vì bom mìn, vật nổ còn sót lại vừa đa dạng về chủng loại, vừa nằm rải rác khắp nơi và bị biến đổi tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động do nhiều năm chịu tác động bởi thời tiết, khí hậu, địa hình.

Bộ đội Công binh do chức năng, nhiệm vụ được giao đã không quản ngại khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Để thực hiện, không chỉ đòi hỏi bộ đội phải có bản lĩnh tốt, tinh thần trách nhiệm cao, ý chí kiên cường, dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm cũng như sức khỏe thật tốt mà còn phải nắm thật chắc quy trình, quy tắc bảo đảm an toàn, đặc biệt là phải cẩn trọng, tỉ mỉ, tuyệt đối không được chủ quan.

Chỉ một hành động khinh xuất đều có thể xảy ra mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình và đồng đội.

Do vậy, lực lượng Công binh toàn quân vừa tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, vừa tăng cường nâng cao chất lượng làm nghiệm vụ, nhất là huấn luyện cấp chứng chỉ năng lực rà phá bom mìn; huấn luyện bổ sung trước khi thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm trang bị phương tiện thật tốt, làm cho bộ đội biết làm và dám làm công việc này.

Tuy nhiên, do tính chất khó khăn, phức tạp của nhiệm vụ, mặc dù đã làm rất tốt những nội dung như tôi vừa chia sẻ, song thời gian qua, vẫn còn có những sự cố đáng tiếc.

Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng ảnh 3Thượng úy, thương binh Lý Đình Hiếu thuộc Lữ đoàn Công binh 239 (Bộ Tư lệnh Công binh) bị thương trong một lần thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại khu vực biên giới của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Không ít cán bộ, chiến sỹ Công binh chịu thương tật suốt đời, thậm chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Bước chân của người chiến sỹ Công binh đã in dấu trên những vùng đất được hồi sinh. Nhiều công trình, nhà máy trọng điểm của các vùng miền đã mọc lên phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đó chính là niềm vui, thành quả của sự cống hiến, hy sinh của Bộ đội Công binh.

- Thực tế còn rất nhiều bom mìn dưới lòng đất, khe sâu và vẫn đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân, cản trở việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Vậy đâu là khó khăn cho công tác này, thưa Đại tá?

Đại tá Hà Huy Khánh: Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Trong quá trình thực hiện này, bên cạnh những khó khăn như thiếu thông tin nơi hy sinh, vị trí, tọa độ, nơi chôn cất ban đầu của liệt sỹ, nhất là đối với các mộ liệt sỹ tập thể, những nơi trận địa bị vùi lấp, các liệt sỹ nằm sâu dưới lòng đất đá, khe đá, quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ còn gặp thêm khó khăn từ bom mìn, vật liệu nổ.

Do vậy, khi thực hiện nhiệm vụ này, phải hết sức thận trọng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bộ đội, người cất bốc hài cốt liệt sỹ.

Hơn nữa, chiến tranh đã lùi xa nhưng do sự tác động của khí hậu, thời tiết và con người, địa hình, địa vật có nhiều thay đổi.

[Rà phá bom mìn, tạo sinh kế cho người dân ở tuyến biên giới phía Bắc]

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội đã tiến hành rà được gần 3.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khu vực địa hình phức tạp, núi non hiểm trở nghi ngờ có bộ đội hy sinh.

Cá biệt, có nơi vách núi cheo leo, bộ đội phải hành quân rất dài và rất khó khăn khi tiếp cận.

Đặc biệt, Hà Giang là địa bàn có số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh rất nhiều đã gây khó khăn, rất lớn cho công tác quy tập hài cốt liệt sỹ.

Tôi lấy ví dụ là dọc tuyến biên giới của 34 xã, đặc biệt là các xã Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Minh Tân của huyện Vị Xuyên và xã Phù Lũng huyện Yên Minh được xác định là nơi có nhiều bộ đội chiến đấu hy sinh. Tại đây vẫn còn hơn 9.000ha bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ chưa được rà phá.

- Để tiếp tục rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, thời gian tới lực lượng Công binh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa Đại tá?

Đại tá Hà Huy Khánh: Trong thời gian tới, bên cạnh việc quán triệt, triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp để thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng để khắc phục bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, chúng tôi xác định tiếp tục tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, của Nhà nước về công tác xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, trước hết là tập trung xây dựng Pháp lệnh Khắc phục Hậu quả Bom mìn và Bộ tiêu chuẩn Khắc phục Hậu quả Bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam; triển khai hiệu quả Kế hoạch Thực hiện Chương trình Quốc gia Khắc phục Hậu quả Bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023-2025.

Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng ảnh 4Lực lượng Công binh xử lý quả bom. (Ảnh: TTXVN phát)

Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đối với việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh làm cơ sở để người dân phòng, tránh hiệu quả những tai nạn thương tâm có thể xảy ra, nhất là những khu vực có mức độ ô nhiễm lớn.

Đồng thời, lực lượng Công binh đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ hiện đại áp dụng vào thực tiễn nhiệm vụ nhằm giảm nhẹ sức lao động, nâng cao mức độ an toàn và hạn chế được tai nạn trong rà phá bom, mìn.

Làm tốt công tác quản lý dữ liệu, thông tin, dữ liệu nạn nhân bom mìn phục vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

Lực lượng Công binh tổ chức triển khai các dự án rà phá bom mìn trong phạm vi toàn quốc một cách hiệu quả, an toàn theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chủ động trong hợp tác quốc tế, vận động tài trợ, huy động mọi nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, đồng thời làm cho quốc tế thấy rõ được nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và hậu quả bom mìn nói riêng.

Từ đó, kêu gọi các quốc gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là các quốc gia từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây có trách nhiệm chung tay khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn Đại tá!

Bài 1: Những tiếng nổ sau chiến tranh

Bài 2: Quyết tâm bắt sống “tử thần” trong lòng đất

Bài 3: Giải phóng tiềm năng đất đai

Bài 4: An dân giữ đất biên cương

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục