Những tín hiệu trái chiều không quá lo ngại của nền kinh tế Anh

Trong khi doanh số bán lẻ, lòng tin tiêu dùng tăng thì nhiều doanh nghiệp của đảo quốc Sương mù đang lùi lại những kế hoạch đầu tư.
Những tín hiệu trái chiều không quá lo ngại của nền kinh tế Anh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Telegraph)

Hiệp hội bán lẻ Vương quốc Anh (BRC) cho biết tổng doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng Ba vừa qua tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2014 và cao nhiều hơn so với mức tăng 1,7% trong tháng Hai, trong bối cảnh lễ Phục sinh năm nay đến sớm hơn một tháng so với năm ngoái.

Theo một số cuộc khảo sát khác, lòng tin tiêu dùng cũng gia tăng, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát giảm xuống mức thấp kỷ lục và tiền lương bắt đầu tăng, sau nhiều năm đình trệ.

Chuyên gia David McCorquodale, thuộc tập đoàn kiểm toán KPMG, nhận định mùa Phục sinh đến sớm và số liệu kinh tế khả quan hơn đã thúc đẩy doanh số bán lẻ.

Trong ba tháng đầu năm nay, hoạt động chi tiêu trong lĩnh vực bán lẻ đã tăng 2,8% so với cách đó một năm, cao hơn so với mức tăng 1,5% của quý 4/2014. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc điều hành BRC, Helen Dickinson nhận định lĩnh vực bán lẻ có thể sẽ tăng trưởng chậm lại trong tháng 4/2015.

Trong một thông tin liên quan, một cuộc khảo sát gần đây do công ty kiểm toán Deloitte thực hiện cho thấy các doanh nghiệp của nước Anh đang lùi lại những kế hoạch đầu tư, khi có khả năng các chính sách tại Anh quốc sẽ thay đổi trong bối cảnh nước này sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử (ngày 7/5 tới).

Theo khảo sát trên, chỉ có 53% số nhà điều hành doanh nghiệp cho biết sẽ tăng đầu tư (vào tư liệu sản xuất) trong 12 tháng tới, giảm mạnh so với con số 80% trong quý 1/2014.

Ian Stewart, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn Deloitte, nhận định hầu hết các nhà quản lý doanh nghiệp lo ngại sẽ có sự thay đổi về chính sách thuế và tài chính sau cuộc bầu cử.

Các chuyên gia cảnh báo hoạt động đầu tư của các công ty sụt giảm có thể tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.