Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 70 năm thành lập UNESCO, 61 năm ngày giải phóng Thủ đô và 5 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh di sản thế giới, ngày 30/8, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đồng thời tổ chức trưng bày bổ sung di tích cách mạng nhà - hầm D67 và triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản văn hóa-kết nối và hội tụ."
Theo đại diện Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, thực hiện kế hoạch chỉnh lý, bổ sung di tích cách mạng nhà và hầm D67, Trung tâm bổ sung thêm tài liệu, hiện vật liên quan đến các vị đại biểu tham dự cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng (ngày 18/12/1974-8/1/1975), bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tại đây, Bộ Chính trị đề ra kế hoạch hai năm nhưng lại nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975." Đây là những quyết sách, chủ chương quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chuẩn bị đầy đủ những thế và lực cho quân và dân dẫn tới thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975).
Cũng tại Hoàng thành Thăng Long, triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản văn hóa-kết nối và hội tụ” trưng bày nhiều bức ảnh tiêu biểu của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã lưu giữ và đánh thức những giá trị tiềm ẩn của các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Triển lãm cũng giới thiệu những giá trị văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu quý giá của Thăng Long-Hà Nội được UNESCO vinh danh (ca trù, hội Gióng và Bia tiến sỹ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám), cùng một số hình ảnh di tích, danh thắng, làng nghề truyền thống của Hà Nội, cho thấy sự hội tụ và lan tỏa văn hóa của Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Thông qua những bức ảnh, người xem có thể khám phá thêm nhiều vẻ đẹp, tiếp cận nhiều câu chuyện văn hóa, tâm linh, lịch sử hấp dẫn, từ đó thêm tự hào và trân quý những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn dự kiến tổ chức các buổi biểu diễn, giới thiệu về nghệ thuật ca trù - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp và các loại hình văn hóa truyền thống khác như hát văn, hát xẩm và dân ca... phục vụ khách tham quan.
Việt Nam có tám khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh, bao gồm năm di sản văn hóa là Cố đô Huế (1993), Phố cổ Hội An (1999), Khu di tích Mỹ Sơn (1999), Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành Nhà Hồ (2011). Hai di sản thiên nhiên gồm Vịnh Hạ Long (1994), Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (2003) và một di sản hỗn hợp là quần thể danh thắng Tràng An (2014). Trong đó có những di sản được UNESCO vinh danh lần thứ hai với những giá trị ngoại hạng như Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh gồm có nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, ca trù, hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh./.