"Những ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước làm méo mó thị trường"

Những hạn chế trong quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam (giai đoạn 2011-2014) đã được chỉ ra, đó là tốc độ cổ phần hóa chậm, những ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục làm méo mó thị trường.
"Những ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước làm méo mó thị trường" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư mà chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư. Tuy nhiên, ngay cả kỷ luật đầu tư công cũng vẫn còn lỏng lẻo với tính pháp quyền thấp, không chỉ ở trong khu vực tư mà ngay cả trong khu vực công.”

Ông Nguyễn Tú Anh Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế trong quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam (giai đoạn 2011-2014) tại Hội thảo “Báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011-2015, hướng tới xây dựng đề án tái cơ cấu 2016-2020” do CIEM tổ chức, ngày 17/12.

“Cụ thể, tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, những ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục là yếu tố làm méo mó thị trường. Đáng lưu ý hơn, mặc dù quá trình diễn ra rất quyết liệt, song bốn năm qua, những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa được chạm đến,” ông Tú Anh nói.

Báo cáo “Giám sát và đánh giá quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế” của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra, mặc dù không đạt mục tiêu đề ra, nhưng chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã thực sự được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao (90% trong tổng số 514 doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2015).

Song, trong số các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm quyền kiểm soát, kết quả thoái vốn ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh nòng cốt vẫn còn khiêm tốn (4.460 tỷ đồng được thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính, bất động sản trong tổng số 16.193 tỷ đồng chính thức đầu tư vào chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản tính đến tháng 10/2014).

Không chỉ có vậy, nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế (tổng nợ phải trả của 781 doanh nghiệp Nhà nước tính đến cuối 2014 là 1,87 triệu tỷ đồng).

Thêm vào đó, ông Tú Anh cũng chỉ ra, trên thực tế quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang kéo dài. Thêm vào đó, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn ở mức cao, làm rào cản tiếp cận lãi suất của doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ chế xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản (VAMC) còn thiếu minh bạch nên không thể hình thành thị trường.

"Những ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước làm méo mó thị trường" ảnh 2

Đánh giá tổng quan kinh tế vĩ mô qua quá trình tái cấu trúc, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy) cho rằng, mặc dù tăng trưởng GDP cải thiện, nhưng nền kinh tế hiện chưa quay về với tốc độ tăng trưởng 7%  như thời điểm giữa thập niên 2000, mà lý do là tái cơ cấu kinh tế chưa làm triệt để.

Theo ông Thành dẫn chứng, về điều hành chính sách tài khóa, trong phân tích bền vững nợ công cho Việt Nam-năm 2014, IMF đã phân tích rằng việc Chính phủ duy trì mức thấp hụt ngân sách trong giai đoạn tới ở mức như hiện nay thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng tới mức không bền vững.

Về điều hành chính sách tiền tệ, ông Thành việc tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015, nhưng không đi vào các hoạt động sản xuất là một quan ngại. Cụ thể, trong chín tháng đầu năm 2015, tổng dư nợ cho nền kinh tế tăng 12,1%, nhưng phần tín dụng cho công nghiệp chỉ tăng 6,7%, trong khi cho xây dựng tăng 14,3% và cho tiêu dùng cá nhân với bất động sản tăng tới 18,7%. Tính tháng 9/2015 so với cùng kỳ năm ngoái, thì tín dụng cho tiêu dùng cá nhân với bất động sản tăng tới 38%.

Kiến nghị chính sách, ông Tú Anh đề xuất, phương hướng xây dựng đề án tái cơ cấu 2016-2020 cần phải chú trọng tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài là công cụ then chốt.

Đặc biệt là nâng cao hiệu quả phân bổ, theo ông Tú Anh, “nếu hệ số ICOR (hiệu quả vốn đầu tư) đạt mức bình quân thế giới là 4 thì chỉ cần đầu tư 30% GDP sẽ đạt tốc độ 7.5%. Ngược lại nếu ICOR chỉ đạt 5 (hiện nay 5,18) thì đầu tư 30% GDP chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 6%.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.