Những vụ "đại án", tham nhũng lớn: Trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đến đâu?

Trước nạn tham nhũng và những “đại án” gây nhức nhối xã hội thời gian qua, nghị trường sáng nay đã rất "nóng" với chất vấn của các đại biểu Quốc hội với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về trách nhiệm kiểm toán các đại án thời gian qua. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về trách nhiệm kiểm toán các đại án thời gian qua. (Ảnh: TTXVN)

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực kiểm toán diễn ra sáng nay, 5/6, nghị trường đã thực sự “nóng” với nhiều chất vấn của các đại biểu với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn về những “đại án” gây nhức nhối xã hội thời gian qua.

Trách nhiệm từ những “đại án”

Nêu lên thực trạng từ các vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An cho thấy có sự câu kết của doanh nghiệp ngoài Nhà nước với cán bộ trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản Nhà nước, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình cho rằng các doanh nghiệp tư nhân không thuộc diện kiểm toán Nhà nước nhưng những vụ việc này đều liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công.

Vì thế đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Tổng kiểm toán nhà nước cho biết qua các vụ việc như vậy có kiến nghị gì để Kiểm toán Nhà nước tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm hay không.

Trong khi đó, cùng nội dung, đại biểu Trịnh Minh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Long cho rằng vừa qua có một số dự án đã được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong đấu thầu. Đại biểu đề nghị Tổng kiểm toán lý giải về thực trạng này và giải pháp có giải pháp gì?

Tổng kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đơn vị được kiểm toán Nhà nước là đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, một số vụ án lớn liên quan đến đấu thầu, như vụ án Phúc Sơn và Thuận An có sai sót trong đấu thầu. Song, theo Tổng kiểm toán, cả Phúc Sơn và Thuận An đều không có vốn Nhà nước nên “không được kiểm toán nhà nước.” Tuy nhiên, do có liên quan đến một số chủ đầu tư, nhà thầu có vốn Nhà nước nên Kiểm toán Nhà nước vẫn rà soát lại toàn bộ theo hồ sơ họ cung cấp để ra kiến nghị theo thẩm quyền.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_chat_van_va_tra_loi_chat_van_nhom_van_de_thuoc_linh_vuc_kiem_toan_7413535.jpg
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực kiểm toán diễn ra sáng nay, 5/6. (Ảnh: TTXVN)

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường về việc Kiểm toán Nhà nước tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm, Tổng kiểm toán cho hay thuật ngữ “kiểm toán điều tra” đã từng được đề cập nhưng vẫn chỉ dừng ở tranh luận. Ông thấy cũng rất ít nước trên thế giới kiểm toán thực hiện chức năng điều tra.

Không chỉ vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An được các đại biểu chất vấn, đại biểu Mai Văn Hải, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho hay vừa qua vụ án ở Ngân hàng SCB có nhiều công ty đã thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường. “Từ đó nhiều cử tri đặt câu hỏi về trách nhiệm của kiểm toán và đặc biệt là trách nhiệm của kiểm toán Nhà nước ở các vụ việc như SCB,” đại biểu Mai Văn Hải chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Tổng kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho hay vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB không liên quan đến kiểm toán Nhà nước và không thuộc phạm vi Kiểm toán Nhà nước. Theo ông, Ngân hàng SCB là công ty đại chúng nên thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập và khẳng định “trách nhiệm ở vụ việc xảy ra tại SCB thuộc về các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.”

Làm sao để “không dám, không cần tham nhũng”?

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng cơ quan Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong phát hiện hành vi tham nhũng. Ghi nhận nhiều năm qua công cuộc phòng chống tham nhũng mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, nhưng ở đâu đó vẫn có bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm. “Vậy phải làm gì để xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, nhưng vẫn bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm,” đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhận xét “câu hỏi của đại biểu Mai là khó” và cho rằng cần làm tốt 3 việc nếu muốn tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tiêu cực mà không giảm tính năng động, sáng tạo, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “đánh chuột không vỡ bình.”

z5509182270520_64bf4ea056d2b9d9c20346ab30d2a37a.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt mức án tử hình trong "đại án SCB." (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Tổng kiểm toán, trước tiên cần xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng, cùng với đó cần xây dựng thiết chế nhằm phát hiện, xử lý nghiêm để không dám tham nhũng. Cuối cùng, là xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp để không cần tham nhũng.

Trước hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm như thực tế thời gian qua, theo ông Ngô Văn Tuấn có nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực chưa theo kịp yêu cầu và chỉ đạo chưa sâu sát.

Giải pháp mà Tổng kiểm toán Nhà nước đưa ra là cần nâng cao ý thức, trình độ; hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền, nghĩa vụ từng công chức, viên chức. Ông Ngô Văn Tuấn nêu ví dụ công chức vào vị trí A, họ được làm gì, không được làm gì, chế độ đãi ngộ gắn với quyền lợi ra sao? từ đó đưa ra trách nhiệm gắn với quyền lợi cùng với kiểm tra giám sát để lượng hóa cán bộ.

Cũng chất vấn về vấn đề trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trước thực trạng tham nhũng thời gian qua, đại biểu Hà Đức Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai nêu tình huống khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán mà không phát hiện sai phạm, song khi cơ quan chức năng vào điều tra lại lộ ra nhiều sai phạm lớn thì trách nhiệm này thuộc về ai, tập thể hay cá nhân?

Về vấn đề này, Tổng kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho hay điều 68 Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm toán vào cuộc nếu không phát hiện sai phạm.

Theo đó, với báo cáo kiểm toán đã phát hành không nêu về sai phạm nhưng sau đó cơ quan chức năng vào cuộc lại xác định có vi phạm, trong trường này, ông Ngô Văn Tuấn cho rằng sẽ tùy theo trách nhiệm mà xử lý, hình sự hoặc hành chính, từ đó sẽ làm rõ trách nhiệm tập thể hay cá nhân.

Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết: “Gần 30 năm qua, Kiểm toán Nhà nước chưa có trường hợp nào bị xử lý như vậy.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.