Truyền thông Hong Kong mới đây dẫn nguồn báo chí Trung Quốc đại lục cho biết, Kỳ họp “Lưỡng hội” Trung Quốc (bao gồm kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) sắp triệu tập, trong đó chính sách kích thích tài chính để thích ứng với tình hình dịch bệnh là tiêu điểm quan tâm của thị trường.
Ngày 14/5 vừa qua, Tờ Nhân dân Nhật báo, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải bài viết “Chính sách tài chính tích cực cần phải chủ động hơn nữa” của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn, tiết lộ những xu hướng mới nhất trong chính sách tài khóa năm 2020.
Trước tiên, bài viết làm rõ dự báo về tình hình nguồn thu trong năm nay. Do bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp COVID-19, thu ngân sách nhà nước của Trung Quốc trong quý 1/2020 đã giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thấp kỷ lục kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa đến nay.
[Quan chức Trung Quốc nhận định về chính sách tài khóa chủ động]
Trong bài viết nêu trên, ông Lưu Côn đã đưa ra dự báo thu ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ thấp hơn năm 2019.
Điều này có nghĩa là trong báo cáo ngân sách trung ương và địa phương năm nay, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước có thể sẽ đặt giá trị âm. Mặc dù đây là điều hiếm gặp, nhưng cũng phù hợp với thực tế.
Thứ hai, bài viết tiết lộ năm khía cạnh thể hiện mức độ kích thích tài chính gia tăng.
Thị trường rất quan tâm đến sự gia tăng mức độ kích thích tài chính. Diễn giải về vấn đề này, ông Lưu Côn chủ yếu tập trung vào năm khía cạnh và nhấn mạnh rằng chính sách tài chính tích cực phải làm tốt "phép cộng."
Một là tăng quy mô thâm hụt, đưa ra các tín hiệu tích cực, giảm bớt các mâu thuẫn của thu chi tài chính, ổn định và thúc đẩy niềm tin thị trường.
Năm nay, thị trường hầu hết nhận định vọng rằng tỷ lệ thâm hụt tài chính (về danh nghĩa) của Trung Quốc lần đầu tiên sẽ phá vỡ mức 3% và đạt khoảng 3,5%.
Ông Phùng Tiếu Bân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Tài chính Trung Quốc, cho biết tỷ lệ thâm hụt tài chính năm nay sẽ tăng lên 3,5%, qua đó có thể sẽ "giải phóng" Quỹ cộng đồng hơn 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 70,4 tỷ USD) để hỗ trợ địa phương thực hiện “3 đảm bảo” (đảm bảo nhân sinh kế cơ bản, đảm bảo tiền lương, đảm bảo hoạt động).
Hai là, thực hiện cắt giảm thuế và giảm phí để làm giảm những khó khăn trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đây, Quốc Vụ viện dự kiến quy mô cắt giảm thuế và phí sẽ đạt 1.600 tỷ NDT (225,3 tỷ USD), mức cao chỉ đứng sau năm ngoái.
Nhưng tại Kỳ họp Lưỡng hội toàn quốc sắp tới, nhiều khả năng Quốc Vụ viện có thể đưa ra các chính sách giảm thuế và phí mới.
Ông Lưu Côn bày tỏ sẽ gia tăng nỗ lực giảm thuế và phí thông qua việc sắp xếp mang tính thể chế song song với các chính sách mang tính giai đoạn, tập trung vào việc giảm gánh nặng thuế và phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ công thương cá thể và doanh nghiệp trong các ngành nghề gặp khó khăn.
Bài viết cũng đề cập rằng Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các chế độ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và tỷ lệ phí bảo hiểm hưu trí doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện một phần chính sách giảm thuế và phí mang tính giai đoạn được đưa ra trước đó.
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập, miễn giảm thuế cho người nộp thuế VAT quy mô nhỏ hết hạn vào cuối tháng 5/2020 sẽ được gia hạn đến cuối năm nay.
Ba là, mở rộng đầu tư của chính phủ thông qua các kênh khác nhau như công trái nhà nước đặc biệt và trái phiếu chính quyền địa phương phòng chống dịch bệnh, tăng đầu tư của chính phủ, phát huy vai trò thúc đẩy đầu tư của chính phủ và hỗ trợ hiệu quả những nơi còn yếu kém, mang lại lợi ích cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng nội nhu.
Trước đây đã có nhiều ý kiến về phương hướng sử dụng công trái đặc biệt để phòng chống dịch. Lần này Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn đưa ra giải pháp dứt khoát là áp dụng cho đầu tư.
Thị trường dự đoán lượng công trái đặc biệt để hỗ trợ chống dịch sẽ lên tới hàng nghìn tỷ nhân dân tệ. Trái phiếu chính quyền địa phương dự kiến sẽ đạt gần 4.000 tỷ nhân dân tệ (563,2 tỷ USD).
Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đã tung ra gói trái phiếu đặc biệt trị giá 2.290 tỷ nhân dân tệ (322,4 tỷ USD), đến nay đã phát hành hơn một nửa số trái phiếu này.
Dự kiến, Bộ sẽ cố gắng phát hành toàn bộ số trái phiếu còn lại vào cuối tháng 5/2020.
Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn cho biết các quỹ tài chính sẽ tối ưu hóa hơn nữa việc sử dụng các cơ cấu và biện pháp, tập trung vào các lĩnh vực như dân sinh và lợi ích cung-cầu chung, sản xuất tiên tiến với hiệu ứng số nhân, xây dựng dân sinh, xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi còn yếu kém.
Hiện nay, lĩnh vực xây dựng cơ bản được hưởng lợi từ công trái đặc biệt được xác định bao gồm các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống như giao thông và xây dựng công việc quản lý thành phố; xây dựng cơ sở hạ tầng mới như mạng viễn thông 5G, Dữ liệu lớn (Big data) và cải tạo các tiểu khu cũ ở thành phố và thị trấn.
Hai khía cạnh còn lại lần lượt là: tăng thanh toán chuyển khoản và phòng ngừa nhu cầu vốn “sáu bảo đảm” ở cấp cơ sở; tăng cường cân bằng ngân sách bằng cách phục hồi các quỹ dự trữ tài chính, cắt giảm chi tiêu không cần thiết, phòng ngừa tác động giảm thu nhập do dịch bệnh.
Tăng mức độ kích thích tài chính sẽ làm tăng đáng kể nợ chính phủ, làm thế nào để ngăn ngừa rủi ro cũng là tiêu điểm quan tâm của thị trường.
Ông Lưu Côn cho rằng việc kiên trì phòng ngừa sẽ làm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn của nợ chính phủ. Bên cạnh đó, kiện toàn cơ chế giám sát bình thường đối với nợ chính quyền địa phương, tăng cường trách nhiệm giám sát, xử lý ổn thỏa các rủi ro của các cơ cấu tài chính có rủi ro cao tại địa phương, tập trung ngăn chặn sự chồng chéo, cộng hưởng của những rủi ro bên trong và những rủi ro từ bên ngoài, kiên trì nắm chắc giới hạn sẽ giúp không nảy sinh các rủi ro mang tính hệ thống và tính khu vực./.