Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến thế giới thay đổi theo cách mà không ai có thể tưởng tượng được.
Đại dịch không chỉ thay đổi động lực thúc đẩy kinh tế theo xu hướng toàn cầu hóa mà còn góp phần giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới.
Câu hỏi đặt ra hiện tại là liệu con người có tận dụng thời điểm này như một cơ hội để đánh giá thiệt hại mà họ đã gây ra cho Trái Đất và xây dựng định hướng mới nhằm giải quyết thách thức về khí hậu hay không?
[Ngành dầu mỏ đối mặt với tình trạng sụt giảm đầu tư chưa từng thấy]
Phần lớn lượng khí thải CO2 đến từ ba nơi, Trung Quốc, châu Âu (EU) và Mỹ. Mỹ đang lên kế hoạch chi hàng tỷ USD tiền thuế cho ngành công nghiệp dầu khí. Trung Quốc thì bắt tay vào kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than mới, trong khi châu Âu có kế hoạch phục hồi tập trung vào việc tạo ra một nền kinh tế với lượng CO2 thấp.
Kế hoạch khí hậu của EU
Theo EU Observer, kế hoạch phục hồi của Ủy ban châu Âu (EC) sau đại dịch COVID-19 sẽ ưu tiên việc cải tạo, tái tạo năng lượng cũng như động cơ sạch và quản lý chất thải.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định không có bất kỳ loại vắcxin nào dành cho biến đổi khí hậu và đây là lý do vì sao hiện tại EU phải đầu tư vào “tương lai sạch.” Bà cam kết biến Thỏa thuận xanh trở thành nền tảng trong kế hoạch phục hồi của EU.
Chiếm một phần lớn trong kế hoạch là mục tiêu tạo nhiều công việc mới cho các cấu trúc hiện có nhằm tiết kiệm năng lượng hơn trong vận hành các dây chuyền này.
Sản xuất hydro sạch cũng là một bộ phận chính của kế hoạch với trọng tâm là hydro xanh được tạo ra bằng cách tách nước thành các bộ phận cấu thành thông qua sử dụng điện từ các nguồn tái tạo thay vì hydro xám có nguồn gốc từ khí đốt tự nhiên.
Mặc dù hydro cho ôtô có thể không phải là khởi đầu nhưng có thể đóng góp quan trọng trong việc khử CO2 sản sinh từ các quy trình công nghiệp và cung cấp năng lượng cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa đường dài bằng xe tải, tàu hỏa và tàu thủy.
EC cũng hy vọng cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ thay đổi thói quen di chuyển, giúp giảm các chuyến bay ngắn và chuyển sang kết nối tàu cao tốc. Kế hoạch phục hồi kêu gọi hiện đại hóa quản lý quá trình xử lý chất thải và lĩnh vực nông nghiệp của châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia bên ngoài - một gợi ý cho thấy đại dịch này đã phá vỡ mô hình toàn cầu hóa ở mức độ nào.
Trung Quốc quay lại với điện than?
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc bắt đầu gia tăng số lượng lớn các nhà máy điện than. Rõ ràng, lần này cường quốc kinh tế số hai thế giới có kế hoạch làm điều tương tự một lần nữa.
Trong bối cảnh Mỹ vẫn thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch tại sao Trung Quốc phải chuyển đổi vất vả nhằm xanh hóa nền kinh tế? Nhiều người lập luận rằng đó là hướng đi đúng đắn cần làm và nếu Trung Quốc thực sự muốn trở thành cường quốc lãnh đạo trên phạm vi toàn thế giới thì cần thể hiện vai trò lãnh đạo thực sự trong các vấn đề toàn cầu.
Chia sẻ với hãng tin BBC, ông Lý Thạc, chuyên gia năng lượng đến từ tổ chức Hòa bình xanh Đông Á nhận định vị trí của Mỹ chiếm phần lớn trong tính toán chính trị của Trung Quốc.
Theo chuyên gia này, tại Trung Quốc tồn tại cảm giác không công bằng khi Bắc Kinh tiến lên phía trước với chương trình nghị sự về khí hậu cùng lúc Washington đang thụt lùi.
Trung Quốc dường như rơi vào tình trạng lưỡng cực khi đề cập tới việc đối phó với biến đổi khí hậu. Một mặt, cường quốc này là một trong những nước đi đầu trong phát triển năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, nhưng mặt khác, nước này tiếp tục duy trì sự phụ thuộc vào than.
Trong khi quốc gia đông dân nhất thế giới đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu khí thải giao thông ở mức thấp và bằng không, thì nước này cũng liên tục trì hoãn các chính sách ưu đãi đã đưa ra. Điều đó gây khó khăn cho các hãng sản xuất ô tô trong lập kế hoạch bền vững cho tương lai. Trung Quốc cần quyết định rõ ràng những gì nước này hướng tới và gắn bó với mục tiêu đó.
Chính sách của Mỹ xoay quanh dầu mỏ
Tại Mỹ, 40 triệu người đã nghỉ việc do đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều công việc họ từng làm có thể sẽ biến mất vĩnh viễn. Trong khi đó, đảng Cộng hòa đang bận rộn chuyển tiền cho các công ty dầu khí và than đá.
Trong dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD ban đầu, chỉ các doanh nghiệp đủ điều kiện mới được nhận các khoản vay mà chính phủ hỗ trợ, với sự ổn định về tài chính trước đại dịch.
Tuy nhiên, các quy định được thay đổi, cho phép các công ty dầu khí vốn đang ngập trong nợ nần được sử dụng khoản tiền này để trả cho các chủ nợ.
Graham Steele, Giám đốc Sáng kiến Hợp tác và Xã hội tại Trường Kinh doanh Stanford, cho rằng đây là một gói cứu trợ dầu mỏ dành cho tập hợp các doanh nghiệp cụ thể.
Theo ông Steele, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoạch định chương trình cứu trợ kinh tế, nhưng sau đó các thành viên Quốc hội và ngành công nghiệp đã vận động hành lang, kết quả là Fed đã thay đổi chương trình để hỗ trợ ngành công nghiệp này.
Mỹ có cơ hội vàng để tạo thêm nhiều việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo Jeff Bishop, người đứng đầu công ty phát triển pin Key Capture Energy, các công ty năng lượng tái tạo đang tìm cách thuê nhân công có kinh nghiệm trong ngành dầu khí./.