Những yếu tố nào hỗ trợ giá vàng thị trường trong nước và thế giới?

Trong khi dịch bệnh tác động đến tâm lý làm giảm tiêu dùng cá nhân, việc lãi suất huy động của các ngân hàng giảm hút tiền vào thị trường chứng khoán khiến cho ít người dân có nhu cầu nắm giữ vàng.
Những yếu tố nào hỗ trợ giá vàng thị trường trong nước và thế giới? ảnh 1Giao dịch vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín-Minh Châu. (Ảnh: Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Sau nhiều phiên lình xình tăng giảm theo giá vàng thế giới, cuối giờ sáng 5/6, giá vàng trong nước tiếp tục tăng.

Tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,8-57,47 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tính chung cả tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng khoảng 580.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng trên thế giới cũng có xu hướng đi lên song kim loại quý này vẫn ghi nhận tuần giảm giá đầu tiên trong vòng 5 tuần trở lại đây.

[Giá vàng thế giới phiên 4/6 khép lại chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp]

Trong tuần, giá vàng trong nước có thời điểm tăng mạnh 530 nghìn đồng/lượng, nhưng có thời điểm giảm sâu 450.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, giao dịch chủ yếu giữ quanh mức 57,5 triệu đồng/lượng.

Theo đại diện một số cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội, sau nhiều phiên điều chỉnh, giá vàng trong nước vẫn đang giao dịch ở mức cao so với từ đầu năm. Mức giá này hiện biến động chủ yếu theo diễn biến của thị trường thế giới.

Trong khi dịch bệnh tác động đến tâm lý làm giảm tiêu dùng cá nhân, việc lãi suất huy động của các ngân hàng giảm hút tiền vào thị trường chứng khoán khiến cho ít người dân có nhu cầu nắm giữ vàng.

Các chuyên gia nhận định diễn biến thực tế cùng kỳ vọng tích cực của vàng thế giới đang tác động tương tự lên giá vàng trong nước. Đồng thời, đưa ra cảnh báo việc các nhà đầu cần theo dõi diễn biến của giá vàng và phân bổ hợp lý các khoản đầu tư, không nên bỏ trứng vào một giỏ.

Trên thế giới, đến phiên giao dịch cuối tuần 4/6, giá vàng kỳ hạn giao tháng 8 tăng 1% và đóng cửa phiên ở mức 1.892 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 0,7% so với tuần trước.

Những yếu tố nào hỗ trợ giá vàng thị trường trong nước và thế giới? ảnh 2Trang sức vàng được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ tạo ra 559.000 việc làm mới trong tháng 5/2021, thấp hơn con số ước tính của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones và The Wall Street Journal là 671.000 việc làm.

Brien Lundin, nhà phân tích của Gold Newsletter, nhận định giá vàng dễ bị ảnh hưởng bởi tin tức kinh tế tích cực hoặc bất cứ yếu tố nào có thể khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Do đó, số liệu việc làm thấp hơn dự đoán đã củng cố những quan điểm cho rằng, các quan chức Fed sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp hiện nay lâu hơn, giúp giá kim loại quý phục hồi trong phiên 4/6.

Theo ông Lundin, thực tế, số lượng việc làm mới ít cũng có nghĩa ít người lao động chấp nhận những việc làm đang tuyển dụng với mức lương hiện tại. Các dữ liệu khác cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang mạnh lên, áp lực lạm phát có thể duy trì và thậm chí lớn hơn.

Các nhà hoạch định chính sách Fed đã nhấn mạnh rằng việc làm là một vấn đề trọng tâm để cơ quan này xác định liệu nền kinh tế Mỹ có cần hỗ trợ thêm trong quá trình phục hồi hậu COVID-19 hay không.

Số liệu thị trường lao động tháng 5 một lần nữa cho thấy kinh tế Mỹ đang đi trên con đường phục hồi đầy gập ghềnh sau những tác động của đại dịch COVID. Điều này có thể khiến các quan chức Fed tạm dừng việc xem xét loại bỏ các chính sách nới lỏng tiền tệ và bình thường hóa lãi suất chủ chốt, hiện đang ở mức 0-0,25%. Theo các nhà phân tích, đây là cơ hội để vàng tiếp tục tăng giá.

Cũng trong phiên này, chỉ số đồng USD - đo sức mạnh của "đồng bạc xanh" so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,4% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng hạ xuống 1,56%.

Những yếu tố này làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng, khiến kim loại quý này trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhà phân tích Edward Meir của ED&F Man Capital Markets cho rằng, đồng USD yếu đi và tỷ lệ lạm phát cao sẽ hỗ trợ giá vàng tăng lên mức 2.000 USD/ounce trong nửa cuối năm nay.

Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Future nhận định rằng, nền kinh tế Mỹ đang dần thoát khỏi khó khăn và nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng với tất cả những số liệu kinh tế sắp công bố, mặc dù việc Fed thắt chặt hay nâng lãi suất sẽ không diễn ra ngay lập tức.

Trước đó, giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên cuối cùng của tháng 5/2021 giữa lúc đồng USD giảm giá trong khi sức ép lạm phát đã "tiếp sức" cho giá vàng. Giá vàng kỳ hạn tiến thêm gần 7,9% trong tháng 5/2021.

Đến phiên 1/6, giá kim loại quý này không biến động nhiều bất chấp số liệu khả quan về hoạt động chế tạo và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Giá vàng ngày 2/6 tiếp tục đi lên trong bối cảnh một số nhà quan sát dự báo các số liệu kinh tế Mỹ được công bố trong tuần này sẽ củng cố mối lo ngại về lạm phát và tác động tích cực đến thị trường vàng. Song chuyên gia này cho rằng, sự đi lên của thị trường chứng khoán vẫn ngăn cản đà tăng mạnh hơn của giá vàng.

Tuy nhiên, đà tăng giá của kim loại quý đã đảo chiều, khi giá vàng kỳ hạn ngày 3/6 giảm tới 1,9% xuống mức thấp nhất kể từ phiên 18/5.

Dữ liệu về việc làm và dịch vụ của Mỹ tốt hơn dự kiến đã giúp đồng USD tăng mạnh và cũng làm gia tăng lo ngại rằng số liệu kinh tế tích cực sẽ mở đường cho các cuộc thảo luận về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.