Nhượng quyền thương mại: Khung quy định pháp lý đã lỗi thời?

Với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm nhưng theo các chuyên gia, hiện còn thiếu hành lang pháp lý để doanh nghiệp có thể hoạt động trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại.
Nhượng quyền thương mại: Khung quy định pháp lý đã lỗi thời? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại có thể tạo ra doanh thu hàng triệu USD mỗi năm và xu hướng phát triển mạnh tại Việt Nam  trong tương lai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện còn thiếu hành lang pháp lý để doanh nghiệp có thể hoạt động trong lĩnh vực ​này.

Nhấn mạnh tại hội thảo "Tham vấn và đối thoại về việc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam", do Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương phối hợp với dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap) tổ chức ngày 4/8, tại Hà Nội, ​chuyên gia luật, Trường Đại học Thương mại cho rằng, ​việc thiếu các quy định về luật ​có thể dẫn tới​ nhiều tranh chấp trong tương lai.

Theo Tiến sỹ luật Trần Thị Thu Phương, khoa Kinh tế-Luật trường Đại học Thương mại, một loạt các văn bản pháp quy ra đời từ năm 2014 như luật đầu tư và luật doanh nghiệp... đã khiến những quy định về nhượng quyền thương mại tại luật thương mại năm 2004 không còn phù hợp nữa.

Đưa ra một ví dụ, bà Phương cho biết, trong khi thương nhân nước ngoài phải đăng ký về điều kiện hoạt động cũng như hàng hóa thực hiện nhượng quyền tại Việt Nam thì ngược lại chưa có quy định nào bắt buộc thương nhân trong nước phải thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Thậm chí, theo bà Phương, việc quy định thương nhân trong nước chỉ phải báo cáo với Sở Công Thương cũng ghi rất chung chung, không làm rõ những nội dung gì phải báo cáo.

Bên cạnh đó, nếu có chanh trấp xảy ra, thì mức xử phạt quy định trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính năm 2013 cũng rất khiêm tốn, từ 1-5 triệu, điều này sẽ càng gây khó khăn cho việc quản lý được hoạt động này.

"Luật pháp cần quy định rõ ​để ​xử lý mọi tranh chấp ​trong các giao dịch giữa các nhà đầu tư," bà Phương đặt câu hỏi.

Nhượng quyền thương mại: Khung quy định pháp lý đã lỗi thời? ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Quan điểm trên cũng được Tiến sỹ Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định là một tồn tại đối với việc quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại hiện nay.

Theo ông, hiện Bộ Công Thương mới quản lý doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhượng quyền thương mại tại Việt Nam trong khi chưa có cơ quan nào thống kê được số doanh nghiệp Việt Nam nhận nhượng quyền thương mại từ doanh nghiệp nước ngoài.

Lãnh đạo Viện nghiên cứu thương mại cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước như: hoạt động còn nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, nhiều doanh nghiệp còn gặp lúng túng khi xây dựng chiến lược trong hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại...

"Nếu lựa chọn đối tác không chính xác thì khả năng thất bại rất lớn, còn đối tác nhận nhượng quyền không làm tốt cũng làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp nhượng quyền," ​Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại cho hay.

Tính đến ngày 15/7/2015, đã có 137 hệ thống nhượng quyền thương mại của nước ngoài tại Việt Nam với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Còn trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng đã thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại như: Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô Bakery, giày dép T&T và gần đây là Thế giới di động.

Tuy nhiên, chưa có báo cáo thống kê chính thức nào từ phía các cơ quan quản lý về số lượng các doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại từ nhà đầu tư nước ngoài.

Trước thực tế trên, tại buổi hội thảo, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, nhìn chung những quy định pháp luật quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ theo chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, một số quy định đã được ban hành cách đây khoảng 10 năm nên quá trình thực thi cho thấy không còn phù hợp nữa.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến thiết thực, khách quan của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng thời ghi nhận những khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật để có những sửa đổi, cải cách phù hợp với thực trạng phát triển lĩnh vực thương mại ở Việt Nam trong thời gian tới.

"Việc hoàn thiện luật cũng như tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam phải phù hợp với luật cạnh tranh cũng như quy mô của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số tại Việt Nam," ông Võ Văn Quyền nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.