Ủy ban Bầu cử Quốc gia Độc lập (INEC) của Nigeria cho biết nước này sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào ngày 14/2/2015, trong đó đương kim Tổng thống Goodluck Jonathan dự kiến sẽ tiếp tục chạy đua vào nhiệm kỳ thứ hai.
Tổng thống Goodluck Jonathan nắm cương vị lãnh đạo quốc gia châu Phi này từ tháng 5/2010, sau khi người tiền nhiệm của ông là Alhaji Umaru Yar'Adua qua đời.
Trước đó, ông Goodluck Jonathan từng là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Alhaji Umaru Yar'Adua. Tuy nhiên, hiện ông Jonathan chưa chính thức công bố kế hoạch ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi và là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất tại Lục địa Đen - có một lịch sử lâu dài về bạo lực và sai phạm trong bầu cử.
Trong cuộc bầu cử năm 2011, hơn 800 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo động ở miền Bắc nước này.
Đảng dân chủ Nhân dân (PDP) của ông Goodluck Jonathan kiểm soát chính phủ liên bang từ khi chính quyền dân sự trở lại nắm quyền tại Nigeria năm 1999, song hiện phải đối mặt với những bất đồng chưa từng có về vị trí tổng thống.
Tuần trước, chủ tịch đảng này - một đồng minh của ông Jonathan - đã bị buộc phải từ chức sau các cuộc đấu đá trong nội bộ giữa những thành viên chủ chốt.
Trước đó ngày 18/12/2013, đảng PDP cũng đã mất thế đa số trong Quốc hội Nigeria, do 37 nhà lập pháp được bầu thuộc đảng này tuyên bố gia nhập Liên minh Tiến bộ (APC).
Vấn đề cốt lõi của các mâu thuẫn này là quan điểm cho rằng để có thể tại vị, Tổng thống Jonathan - một người Cơ đốc giáo vùng Đồng bằng Niger - sẽ phớt lờ luật bất thành văn tồn tại lâu nay về việc hoán đổi luân phiên vị trí tổng thống giữa một ứng cử viên theo đạo Cơ đốc giáo từ miền Nam và một ứng cử viên Hồi giáo từ miền Bắc.
Ngoài ra, Nigeria cũng đang phải vật lộn để giải quyết tình trạng căng thẳng ở miền Bắc, nơi chính quyền đang tiến hành chiến dịch truy quét nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram, vốn được xem là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Nigeria kể từ khi nhóm này bắt đầu nổi dậy vào năm 2009 nhằm thành lập một nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc.
Boko Haram bị cáo buộc đã gây ra cái chết của hàng nghìn người trong các vụ tấn công bạo lực, ngoài ra còn thực hiện nhiều vụ cướp để có tài chính hoạt động./.