Tổng thống Nigeria Bola Tinubu hôm 31/8 đã đưa ra ý tưởng về một quá trình chuyển tiếp dân sự ở nước láng giềng Niger, tương tự như giai đoạn 9 tháng mà đất nước ông đã trải qua vào cuối những năm 1990.
Ông cho biết Nigeria đã quay trở lại chế độ dân sự vào năm 1999 sau thời kỳ chuyển tiếp kéo dài 9 tháng do cựu nguyên thủ quân đội của nhà nước, Tướng Abdulsalami Abubakar, người cũng đã dẫn đầu các phái đoàn đến gặp chính quyền Niger, khởi xướng.
Trong một tuyên bố, ông bày tỏ không thấy lý do gì mà điều đó không thể được nhân rộng ở Niger, nếu chính quyền quân sự ở nước này chân thành.
Tuy nhiên, tuyên bố cho biết ECOWAS sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt cho đến khi chính quyền quân sự Niger thực hiện "những điều chỉnh tích cực."
Tuyên bố nêu rõ: "Hành động của binh lính là không thể chấp nhận được. Họ càng sớm đưa ra những điều chỉnh tích cực thì chúng tôi sẽ càng nhanh hủy bỏ các biện pháp trừng phạt để giảm bớt những đau khổ ở Niger."
[ECOWAS thông báo đã đề xuất địa điểm gặp quân đội Niger]
Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Niger, sau khi quân đội của nước này lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum trong cuộc đảo chính vào ngày 26/7.
ECOWAS cũng đe dọa can thiệp quân sự như một biện pháp cuối cùng nếu các cuộc đàm phán không khôi phục được chế độ dân sự ở Niger.
Trong một tuyên bố hôm 31/8, khối này khẳng định muốn tổng thống Bazoum trở lại nắm quyền ngay lập tức.
Tuyên bố cho hay: "Chính quyền quân sự ở Niger phải khôi phục trật tự hiến pháp ngay lập tức, bằng cách trả tự do và phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum."
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quân sự mới của Niger đã bày tỏ quyết tâm, tuyên bố muốn có thời gian chuyển tiếp tối đa là 3 năm để khôi phục trật tự hiến pháp. Họ cũng đã ra lệnh cho cảnh sát trục xuất đặc phái viên của Pháp khi căng thẳng gia tăng.
Cùng ngày 31/8, đài truyền hình quốc gia Niger đưa tin Bộ trưởng Nội vụ và An ninh Công cộng của chính quyền quân sự Niger, Tướng Mouhamed Toumba, thông báo với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và quốc tế, cũng như các cơ quan của Liên hợp quốc có mặt tại Niger rằng "tất cả hoạt động và di chuyển ở các khu vực tác chiến tạm thời bị đình chỉ."
Cơ quan này không cho biết khu vực nào bị ảnh hưởng.
Thông cáo báo chí nêu rõ điều này là “do tình hình an ninh và hoạt động hiện tại của Lực lượng Vũ trang Niger (FAN).”
Niger phải hứng chịu sự quấy nhiễu ở một số khu vực biên giới bởi các tổ chức khủng bố, bao gồm các nhóm vũ trang và những băng cướp khác kiểm soát miền Nam Libya kể từ khi chế độ Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, các nhóm khủng bố thân cận với Al-Qaeda ở khu vực Hồi giáo Maghreb (AQIM), Ansar Dine và các phong trào khác có trụ sở tại miền Bắc Mali, cũng như nhóm khủng bố Boko Haram đóng tại Nigeria từ năm 2009.
Vấn đề này ngày càng gia tăng những năm gần đây, một nguồn bất ổn mới ở cực Tây Nam của Niger, ở khu vực "biên giới ba bên" (Niger-Mali-Burkina Faso), được duy trì bởi các nhóm thánh chiến khác, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân./.