Ngày 25/6, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ nhất để bầu các chức danh chủ chốt theo luật định và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng theo thẩm quyền.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh dự kỳ họp.
Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XV đã bầu các chức danh chủ chốt của Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả, ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIV tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Các ông Bùi Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIV; Nguyễn Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIV tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV.
Kỳ họp cũng đã bầu các chức danh chủ chốt là Trưởng, Phó trưởng các ban: Pháp chế, Kinh tế-Ngân sách, Văn hóa-Xã hội của Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV.
Đối với các chức danh lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh và Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026.
Các ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.
Kỳ họp cũng bầu 19 ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng cơ cấu, thành phần.
Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV đã tiến hành bầu Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 20 người, trong đó có 10 vị hội thẩm nhiệm kỳ 2016-2021 tái cử, 10 vị tham gia mới.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao công tác triển khai, kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại tỉnh Ninh Bình, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử của cả nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ nhất, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình cần bắt tay ngay vào tổ chức kỳ họp giữa năm để xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế, xã hội, những quyết sách cụ thể cho nhiệm kỳ mới.
Các vị đại biểu tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, gắn bó mật thiết với cử tri; quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân theo quy định của pháp luật; thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động phù hợp với những thay đổi của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cùng với đó là tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng cho đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhất là đại biểu mới tham gia lần đầu để Hội đồng Nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà lưu ý nhiệm vụ năm 2021 cũng như cả nhiệm kỳ là cấp bách và nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò to lớn của Hội đồng Nhân dân các cấp.
Đây là kỳ họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ mới với những nội dung quan trọng, do đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện rõ quan điểm của mình để bầu đại biểu ưu tú, có năng lực để đảm đương, gánh vác các trọng trách trong bộ máy của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Hội đồng Nhân dân tỉnh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, thực chất các hoạt động, trọng tâm là nâng cao chất lượng các kỳ họp, chất lượng ban hành văn bản về cơ chế, chính sách, đảm bảo sát thực, khả thi, đúng luật, đúng thẩm quyền và phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn.
Mỗi đại biểu cần bắt tay ngay vào thực hiện chương trình hành động của mình, nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ động, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm khắc phục yếu kém, gỡ bỏ điểm nghẽn, rào cản đang là cản trở đối với sự phát triển của tỉnh trên các lĩnh vực.
Kỳ họp đã thông qua báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Bên cạnh đó, kỳ họp cũng thông qua các báo cáo, tờ trình quan trọng trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2021 và các năm tiếp theo. Kỳ họp bế mạc trong sáng 25/6.
Sáng cùng ngày, Ủy ban bầu cử tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi và thực sự là Ngày hội lớn của 49 dân tộc anh em trong tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, có nhiều nguyên nhân làm nên thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đã bám sát, chấp hành nghiêm văn bản của pháp luật và chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cơ quan Trung ương về cuộc bầu cử; sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của Ủy ban bầu cử các cấp, sở, ngành, địa phương; tiến độ chuẩn bị cuộc bầu cử được triển khai đúng luật, đúng thời gian quy định.
Đặc biệt, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đồng lòng, phấn khởi hướng đến Ngày bầu cử và kỳ vọng vào người ứng cử. Nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân đã trang trí đường buôn, ngõ xóm chào mừng cuộc bầu cử.
Kết quả, Ngày bầu cử 23/5, cử tri tỉnh Đắk Lắk đi bầu cử đạt 99,76% tổng số cử tri của tỉnh, cao hơn mức trung bình của cả nước. Điều đó khẳng định cuộc bầu cử đã được lòng dân và thật sự là Ngày hội của toàn dân.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức kỳ họp thứ nhất Hội đồng Nhân dân các cấp theo quy định, kiện toàn các chức danh; quan tâm thực hiện chính sách, chế độ hoặc phân công, bố trí công tác cho cán bộ không tái cử đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026. Đại biểu trúng cử nhiệm kỳ 2021-2026 nhanh chóng thực hiện chương trình hành động đã báo cáo và cam kết trước cử tri.
Cử tri trong tỉnh đã bầu 9 đại biểu Quốc hội, 75 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 513 đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện, 4.635 đại biểu Hội đồng Nhân dân xã.
Đắk Lắk đã triển khai cuộc bầu cử theo kế hoạch, đúng quy trình. Việc tổ chức các bước hiệp thương đảm bảo đúng luật, đúng thời gian quy định. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quy trình giới thiệu người ra ứng cử bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Ứng cử viên là nữ, dân tộc, trẻ tuổi, ngoài Đảng đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần, chú trọng đến chất lượng, trình độ, năng lực của đại biểu.
Toàn tỉnh đã tổ chức 3.735 cuộc tiếp xúc (theo hình thức trực tuyến và trực tiếp) giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Các hội nghị tiếp xúc cử tri diễn ra với tinh thần dân chủ, bình đẳng, thẳng thắn, cởi mở, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch, thể hiện trách nhiệm của các cấp chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, thu hút số lượng cử tri tham gia hội nghị tiếp xúc đông hơn so với những kỳ bầu cử trước đây. Nhiều ý kiến chất lượng với trách nhiệm xây dựng, tin tưởng, kỳ vọng của cử tri đã gửi đến người ứng cử.
Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử được đẩy mạnh, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, có chiều sâu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và y tế trước, trong, sau Ngày bầu cử được giữ vững, góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử.
Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho 106 tập thể và 187 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử./.