Từ đầu năm 2021 đến nay, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tỉnh Ninh Bình đã có quyết định tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu, điểm du lịch ở một số thời điểm. Do vậy, lượng khách và doanh thu du lịch càng giảm mạnh.
Tổng số lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm nay đạt trên 925,7 nghìn lượt (giảm 50,4% so với cùng kỳ năm trước); doanh thu du lịch ước thực hiện trên 588,6 tỷ đồng (giảm 44,7% so với cùng kỳ năm trước).
Chính vì vậy, ngành du lịch Ninh Bình đang triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước phục hồi, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, cộng đồng và thực hiện được những mục tiêu đã đề ra.
Đa dạng hóa các hình thức kích cầu
Năm 2021, hoạt động du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, số lượng ca nhiễm tăng lên từng ngày với biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh và phức tạp hơn.
Để du lịch khởi động trở lại khi tình hình dịch COVID-19 ổn định, tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ du khách.
Mặc dù hiện nay các khu, điểm du lịch như Quần thể danh thắng Tràng An, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh Bái Đính, Hang Múa...đang ngừng đón khách theo chỉ đạo tại văn bản số 405/UBND-VP6 ngày 16/7/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch vẫn được ngành chức năng của tỉnh thực hiện thường xuyên nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình, chuẩn bị cho một chặng đường mới trong bối cảnh bình thường mới.
[Ninh Bình nỗ lực phục hồi du lịch: Chủ động vượt khó trong dịch]
Ngành du lịch tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đảm bảo an toàn và phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch bệnh để kích cầu du lịch. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thông tin du lịch luôn được chú trọng và cập nhật thường xuyên, liên tục.
Để giữ vững vị trí là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế trong bối cảnh mới, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng đón khách luôn chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Song song với đó, ngành du lịch chủ động triển khai, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đưa hình ảnh du lịch Ninh Bình ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ khách du lịch trên các trang thông tin điện tử của ngành được thực hiện bằng 3 ngôn ngữ Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và trang mạng xã hội vẫn luôn được duy trì tốt và đạt hiệu quả, thu hút nhiều lượt truy cập.
Các bài viết quảng bá về du lịch; các ấn phẩm, video, clip, slide giới thiệu du lịch Ninh Bình luôn được xây dựng và đăng tải thường xuyên trên các trang mạng xã hội và website để quảng bá hình ảnh du lịch.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình, cho biết để thích ứng với điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mới đây, dưới sự chỉ đạo của Sở Du lịch, Trung tâm đã thực hiện chương trình du lịch trải nghiệm qua các nền tảng số bằng hình thức livestream trên Facebook thông qua hướng dẫn viên tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư.
Chương trình đã thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ thực hiện 15 chương trình du lịch online để giới thiệu cho khách du lịch những giá trị nổi bật về du lịch Ninh Bình. Việc tổ chức các tour du lịch online trên nền tảng số giúp thị trường du lịch Ninh Bình dễ dàng phục hồi trở lại khi dịch đã được kiểm soát tốt.
Ngành du lịch cũng đang xây dựng một số chính sách về giá kích cầu khách nội tỉnh, đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó có khuyến khích các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí do doanh nghiệp tư nhân đầu tư cơ cấu lại giá vé vào cổng, giá dịch vụ.
Cùng với triển khai chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành Du lịch đang tập trung xây dựng kịch bản phục hồi du lịch khi điều kiện cho phép. Đồng thời quan tâm phát triển sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị di sản, văn hóa truyền thống một cách bền vững nhằm tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng của địa phương và phù hợp với nhu cầu của các thị trường khách, đặc biệt là khách nội địa.
Bên cạnh việc duy trì thông tin, để quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình "điểm đến an toàn, thân thiện," Sở Du lịch đã phối hợp Hiệp hội Du lịch chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh thực hiện nhiệm vụ đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng kế hoạch phương án kinh doanh sau khi kết thúc dịch.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình cũng khuyến khích đầu tư nhiều cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, các khu du lịch, điểm du lịch nhằm đa dạng hóa dịch vụ, tạo nét hấp dẫn thu hút du khách đi đến Ninh Bình như Sân golf Tràng An, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Hang Múa…
Đồng thời, ngành du lịch đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, kết hợp nguồn lực Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Tìm thời cơ trong thách thức
Thời gian qua, Ninh Bình đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch thông qua hoạt động quảng bá tiềm năng, lợi thế của du lịch của tỉnh. Tiêu biểu là các dự án đầu tư vào các khu, điểm du lịch như Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Thung Nham, Hang Múa; các nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn…
Với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng đa dạng, được đầu tư cải tiến hiện đại cho thấy năng lực đón tiếp, phục vụ du khách của du lịch Ninh Bình ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Thời điểm hiện tại, một số khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp phòng ốc, thiết kế dịch vụ bổ trợ phong phú, đa dạng, theo hướng mở rộng quy mô và chất lượng dịch vụ, có những lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ dành cho nhân viên du lịch… Tất cả đã sẵn sàng để phục vụ du khách tốt nhất khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Theo ông Tống Đức Anh, Phó Giám đốc Khách sạn Ninh Bình Legend, thành phố Ninh Bình, để đáp ứng nhu cầu của du khách, khách sạn đã không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng về phòng nghỉ và thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tạo sự an toàn và thân thiện cho khách du lịch khi về với Ninh Bình.
Đồng thời, khách sạn còn quan tâm xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ thông qua các khóa đào tạo về nghiệp vụ du lịch do ngành tổ chức nhằm từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong kinh doanh dịch vụ du lịch để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, để chuẩn bị chu đáo cho việc đón khách du lịch trở lại, ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư mở rộng hợp tác kinh tế, liên kết vùng và ưu tiên thu hút phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm, khu vui chơi, dịch vụ giải trí du lịch quy mô lớn…
Đồng thời, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa, đặc biệt là giá trị của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, các di tích lịch sử-văn hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa.
Song song với đó là quảng bá tiềm năng, lợi thế của du lịch Ninh Bình để đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Ngành du lịch cũng đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành để xây dựng các tour, tuyến du lịch trong vùng và phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tổ chức khảo sát sản phẩm phục vụ du lịch, kết nối các địa điểm du lịch của địa phương thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình Dương Thị Thanh cho rằng, các doanh nghiệp du lịch tỉnh luôn sẵn sàng chuẩn bị tinh thần đón khách quay trở lại. Các điều kiện về cơ sở vật chất, biện pháp phòng, chống dịch luôn được đảm bảo.
Riêng về lao động, các doanh nghiệp đã có kế hoạch thu hút lao động tạm nghỉ trong thời gian qua quay lại công việc, tiếp tục làm du lịch. Hiệp hội Du lịch tin tưởng khi hoạt động du lịch trở lại bình thường, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ đón khách với tinh thần phục vụ tốt nhất, an toàn nhất.
Ngành Du lịch Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025 đón từ 8 đến 9 triệu lượt khách du lịch. Trong đó khách quốc tế là 1,5 triệu lượt khách và khách lưu trú là 1,8 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai công nghệ số, hệ thống du lịch thông minh phục vụ xúc tiến du lịch, đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn.
Đồng thời, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch và truyền thông, quảng bá, marketing trực tuyến trên các nền tảng số, các mạng xã hội cũng như phát triển các chương trình, tour du lịch trực tuyến...; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ du lịch gắn với thực tiễn cho các đối tượng tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch tăng cường hợp tác công-tư, hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất và các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn cũng như tiếp tục phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới, chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế.
Dự kiến, tỉnh Ninh Bình sẽ cho phép các đơn vị kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch mở cửa trở lại vào đầu tháng 12/2021. Hy vọng ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch của các đơn vị, doanh nghiệp, đưa du lịch Ninh Bình từng bước phục hồi và ngày càng phát triển trong thời gian tới./.