Với tiềm năng lợi thế của địa phương, cùng với định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng chủ lực, những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng các đề án, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng để từ đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, xa hơn là hướng đến xuất khẩu.
Gốm Bồ Bát ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng bởi những sản phẩm tinh xảo và đã được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia, trở thành bước đệm khẳng định thương hiệu trên thị trường đồ gốm truyền thống và được xếp hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao của tỉnh Ninh Bình.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát cho biết nghề gốm cổ Bồ Bát bắt nguồn từ làng Bạch Bát-Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu xưa, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát đã nổi danh cách đây hàng nghìn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các nghệ nhân tài hoa của làng sáng tạo nên.
Khác với việc sử dụng chất liệu đất sét vàng như gốm Gia Thủy thuộc huyện Nho Quan của Ninh Bình, gốm cổ Bồ Bát được làm bởi nguồn đất sét trắng quý hiếm chỉ ở vùng này mới có.
Làng gốm Bồ Bát, được chuộng cách đây hàng trăm năm trong lòng cố đô Hoa Lư. Tuy nhiên qua thời gian, gốm Bồ Bát đã mai một và dần biến mất trên bản đồ những thương hiệu gốm của Việt Nam.
Là một người con sinh ra trên mảnh đất Cố Đô hàng nghìn năm lịch sử nên ông Vang quyết định quay trở lại mảnh đất Yên Thành quyết tâm xây dựng lại làng gốm trên chính mảnh đất quê hương.
Để tạo nét riêng cho các sản phẩm gốm, nghệ nhân Phạm Văn Vang đã đưa các hoa văn, họa tiết liên quan tới các giá trị lịch sử của mảnh đất cố đô Hoa Lư vào các sản phẩm nhờ đó, gốm Bồ Bát đã được nhiều khách hàng lựa chọn, tìm mua không chỉ để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày mà còn là sản phẩm để biếu, tặng mang nét riêng có của tỉnh Ninh Bình.
Sản phẩm gốm Bồ Bát đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và một số tỉnh ở miền Trung, miền Nam.
Việc phục dựng làng nghề gốm Bồ Bát đã mang đến sự khởi sắc cho đời sống của người dân nơi đây, mang đến công ăn việc làm và cả niềm tự hào cho địa phương.
Xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, từ lâu vẫn nổi tiếng với tên gọi cổ "Sinh Dược" - cái tên bắt nguồn từ truyền thuyết Thiền sư, danh y Nguyễn Minh Không đi tìm thuốc chữa bệnh "hóa hổ" cho vua nhà Lý.
Tại vùng núi Bái Đính ngày nay, ông tìm được nhiều loài thuốc mọc tự nhiên khắp một vùng bán sơn địa nên đặt tên nơi này là Sinh Dược (nghĩa là nơi cây thuốc sinh sống).
Tương truyền, trong quá trình tu hành và tìm hiểu cây thuốc nơi đây, ông đã truyền đạt lại những kinh nghiệm dùng thảo dược, những bài thuốc quý cho người dân thôn Sinh Dược.
Năm 2014, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, anh Vũ Trung Đức đã quyết định trở về quê hương để cùng gia đình thành lập nên hợp tác xã Sinh Dược chuyên sản xuất các sản phẩm như xà bông, muối tắm từ các bài thuốc cổ truyền đã được lưu truyền trong suốt nhiều thập kỷ tại xã Gia Sinh.
Hiện tại, Hợp tác xã Sinh Dược tiếp tục phát triển kết hợp sản xuất hàng hóa với trải nghiệm du lịch: tắm ngâm khoáng thảo dược gọi tên là "tắm vua sao sa," du lịch homestay, thăm cánh đồng dược liệu.
Đến nay, sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Sinh Dược không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm mang thương hiệu thảo dược bản địa mà còn được khách du lịch biết tới là một điểm du lịch giới thiệu về nét văn hóa lịch sử độc đáo của địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 493 hợp tác xã, trong đó có 387 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 67 hợp tác xã phi nông nghiệp.
Tỉnh có 2 Liên hiệp hợp tác xã gồm: Liên hiệp Sản xuất, Tiêu thụ Nông sản An toàn tỉnh Ninh Bình với 5 thành viên và Liên hiệp Hợp tác xã Dê Ninh Bình với 6 thành viên.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình cho biết tỉnh xây dựng các mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị và từ những mô hình đó tập trung cao cho những mô hình sản xuất các sản phẩm đặc trưng vùng miền, nhất là Ninh Bình gắn với các sản phẩm du lịch.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đưa Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh đi vào hoạt động giúp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã; tham gia quản lý, điều hành nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về Việc làm.
Đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang quản lý 67 dự án với tổng số vốn đạt 30,873 tỷ đồng.
Các dự án do hợp tác xã đứng ra thực hiện hoặc tín chấp cho thành viên vay sử dụng cơ bản thực hiện đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, định kỳ nộp lãi và trả gốc đúng hạn.
Đơn vị đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khảo sát, xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm hợp tác xã khu vực phía Bắc gắn với ký kết các hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Xuân Khiêm trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm hợp tác xã tại Trạm Dừng nghỉ Cao tốc Mai Sơn-Cao Bồ.
Trong 3 năm, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động, hỗ trợ các hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động giao thương, tìm kiếm thị trường, đối tác tại các hội nghị sơ, tổng kết, các hội chợ do tỉnh, các tỉnh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức; tuyên truyền và đăng ký cho các hợp tác xã xây dựng sản phẩm tiêu biểu tham gia chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời, phát huy tốt khu trưng bày giới thiệu sản phẩm thành viên tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho 9 đơn vị thành viên; hỗ trợ xây dựng 04 gian hàng nông sản an toàn cho các hợp tác xã.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các các sở, ngành đăng ký và hỗ trợ các thủ tục xây dựng nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ lắp đặt, ứng dụng máy móc, công nghệ mới; xây dựng mô hình ứng dụng sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, sản xuất hữu cơ, mô hình liên kết theo chuỗi.
Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã chỉ đạo triển khai thực hiện 28 mô hình hỗ trợ sản xuất theo các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh; 16 mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Các mô hình đều hoạt động tương đối tốt, sản xuất hiệu quả, từng bước đang được nhân diện rộng./.