Ninh Thuận: Đại hội lần thứ IV Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni

Nhiệm kỳ tới, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giải quyết hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Ninh Thuận: Đại hội lần thứ IV Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni ảnh 1Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt đại hội. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ngày 12/7, tại huyện Ninh Phước, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028.

Dự đại hội có đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cùng 80 đại biểu đại diện các chức sắc thuộc 7 chùa Bàni trên địa bàn tỉnh.

Đại hội đã suy cử 35 vị chức sắc, nhân sỹ vào Ban Chấp hành Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2023-2028.

Sư cả Châu Minh Hương được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Sư cả Bàni tỉnh Ninh Thuận.

Nhiệm kỳ tới, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động là tiếp tục phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phối hợp giải quyết hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

[Phát huy vai trò, nguồn lực của tôn giáo trong phát triển đất nước]

Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh tiếp tục vận động chức sắc, người dân có đạo thực hiện các nghi lễ tiết kiệm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc phù hợp tình hình phát triển xã hội hiện nay; xây dựng Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni vững mạnh, không vi phạm giáo luật và pháp luật; phấn đấu hoàn thành 90% nhiệm vụ các hoạt động Nghị quyết Đại hội đã đề ra trong nhiệm kỳ IV.

Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường trực Hội đồng Sư cả Bàni tỉnh Ninh Thuận luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết, vận động người dân theo có đạo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy chế hoạt động của Hội đồng Sư cả.

Các tín đồ và Sư cả của 7 chùa Bàni trong tỉnh đều thực hiện tốt quy ước, quy chế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư ngày càng văn minh, tiến bộ.

Với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo,” những năm qua, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni luôn vận động đồng bào có đạo tích cực phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.

Ninh Thuận hiện có khoảng 29.700 người theo đạo Hồi giáo Bàni, cư trú tập trung tại 12 thôn thuộc 6 xã của 4 huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện trên nhiều lĩnh vực, đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào có đạo ngày một khởi sắc.

Các chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

Các vị chức sắc lồng ghép chương trình hành lễ với vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào xóa đói, giảm nghèo và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.” Nhờ đó, diện mạo thôn, xóm đã thay đổi khá rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên.

Không chỉ vận động đồng bào chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận còn vận động đồng bào đóng góp kinh phí, hiến đất ở, đất sản xuất cùng chính quyền địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự hoạt động hiệu quả, góp phần giữ vững cuộc sống bình yên thôn, xóm.

Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tặng Bằng khen cho một tập thể; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen hai tập thể và 6 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục