Ninh Thuận đổi mới đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Ninh Thuận nhận định vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng như tổ hợp tác rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Ninh Thuận đổi mới đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ảnh 1Mô hình trồng táo bao lưới chống sâu bệnh của các hợp tác ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể và các hợp tác xã, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, giúp kinh tế tập thể, hợp tác xã, các tổ hợp tác có thêm động lực và điều kiện đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất-kinh doanh, nâng cao thu nhập cho xã viên.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, trong bối cảnh phát triển nông nghiệp hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng như tổ hợp tác rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và hướng đến xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Xác định tầm quan trọng đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể, hợp tác xã và các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tập trung triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập mới hợp tác xã, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã phát triển.

[Ninh Thuận chính thức phát triển hai giống nho mới có nhiều ưu điểm]

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ để triển khai có hiệu quả, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; kiện toàn, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc.

Tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã được tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển; đồng thời hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực quản trị và tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Những năm qua, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, các hợp tác xã đã tham gia thực hiện nhiều chương trình, dự án ở địa phương phát động như làm thủy lợi; giao thông nội đồng; vệ sinh môi trường; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…

Nhiều hợp tác xã rất tích cực tham gia một số mô hình như tham gia xây dựng cánh đồng lớn; tham gia liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị

Từ đó đã có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh, góp phần tham gia hiệu quả vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các hợp tác xã cũng gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn để đầu tư sản xuất, bởi khả năng huy động vốn đầu tư còn hạn chế, định hướng phát triển chưa cụ thể, chưa có tính lâu dài, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các hợp tác xã còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính khả thi về phương án sản xuất, kinh doanh thấp…

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, hằng năm, sở sẽ bố trí kinh phí và giao cho Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục mở lớp tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã kiểu mới 2012.

Bên cạnh đó, Sở cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển ngành Nông nghiệp giai đoạn 2012-2025 của Ủy ban Nhân dân tỉnh giao để lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, tạo thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ để đầu tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực lợi thế.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đào tạo, tăng cường năng lực quản lý hợp tác xã cho các hợp tác xã yếu kém và thành lập mới; tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý, kinh doanh, ứng dụng công nghệ sản xuất, công nghệ thông tin theo yêu cầu của kinh tế thị trường cho các hợp tác xã.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, hợp tác xã tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ để thu hút lao động trẻ tốt nghiệp từ cấp cao đẳng đến đại học về làm việc tại các hợp tác xã.

Ngoài ra, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Ninh Thuận đổi mới đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ảnh 2Khách tìm hiểu sản phẩm sirô được chế biến từ nho của Hợp tác xã Thái An, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã còn khó khăn nhưng sự nỗ lực phát triển của các hợp tác xã rất đáng ghi nhận.

Trong năm 2022, toàn tỉnh có 12 hợp tác xã được thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã trong toàn tỉnh lên 107 hợp tác xã, với hơn 18.900 thành viên tham gia, vốn đăng ký trên 143 tỷ đồng.

Doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã ước đạt 2,3 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2021.

Một số hợp tác xã rất chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong vào sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…; đồng thời tích cực mở rộng diện tích sản xuất theo cánh đồng lớn mang lại hiệu quả thiết thực, mang lại lợi nhuận cao, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên hợp tác xã.

Một số hợp tác xã rất mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP của tỉnh, với nhiều sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế và lợi thế cạnh tranh cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 29 sản phẩm của 13 hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tạo lợi thế đáng kể cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.