Ngày 13/11, Malawi đã nhận từ Nam Phi 17 con tê giác đen, loài động vật quý hiếm từng biến mất ở nước này từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Đây là một phần trong chương trình bổ sung các loài động vật đã tuyệt chủng tại một quốc gia, do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) khu vực miền Nam Phi cùng Chính phủ Malawi và Nam Phi phối hợp thực hiện.
Chuyến "hành hương" về quê hương mới của các cá thể tế giác đen bắt đầu từ hôm 11/11 và được đánh giá là một trong những chiến dịch vận chuyển tê giác đen quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.
Các con tê giác được chuyển bằng ôtô từ khu bảo tồn động vật hoang dã Ezemvelo KZN Wildlife ở Nam Phi.
Sau 8 giờ trên đường, đàn tê giác đã đến Công viên Quốc gia Liwonde ở miền Nam Malawi, cũng là nơi các binh sỹ Anh đang huấn luyện lực lượng an ninh sở tại các kỹ năng chống săn bắn trộm động vật.
[Những loài động vật đang dần biến mất khỏi Trái Đất]
Lãnh đạo tổ chức từ thiện Africa Parks do Hoàng tử Anh Harry đứng đầu cho biết, tổ chức này ủng hộ nỗ lực nhân rộng đàn tê giác đen tại Malawi cũng như hỗ trợ chính quyền sở tại bảo tồn loài động vật quý hiếm này.
Các cá thể tê giác này sẽ được gắn thiết bị định vị để có thể được theo dõi từ trên không và được các đội tuần tra hằng ngày giám sát.
Giám đốc Cơ quan Quản lý các công viên và khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã của Malawi, ông Brighton Kumchedwa hoan nghênh sáng kiến tăng số lượng tê giác đen sau khi chúng không còn tồn tại tại nước này từ thập niên 80 và đến năm 1993 mới có 4 cá thể xuất hiện trở lại.
Các nước khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi từng là nơi có số lượng lớn loài tê giác đen, nhưng chúng đã dần biến mất do hoạt động săn bắn trộm.
Theo WWF, đến năm 1993, cả khu vực còn khoảng 2.475 cá thể tê giác đen. Các nước đặt mục tiêu tăng số lượng tê giác đen lên 5.000 con./.