Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có diện tích gần 26.000 ha, thuộc địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông và Vương quốc Campuchia.
Đây là cánh rừng nguyên sinh lớn nhất tại Bình Phước với nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm có trong Sách đỏ của thế giới.
Do vậy, việc phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đặt lên hàng đầu không chỉ riêng cao điểm mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm).
Hiện, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có khoảng 1.700 ha lồ ô thuần loài và 16.000 ha rừng lồ ô xen gỗ rất dễ xảy ra cháy vào mùa khô hạn.
Khu vực vườn lại có hàng chục km đường bao ngăn, giáp ranh với các vườn rẫy của người dân vùng đệm. Cùng với đó là đường tuần tra biên giới và Quốc lộ 14C đi qua.
[Thả nhiều động vật hoang dã về Vườn quốc gia Bù Gia Mập]
Những con đường này có nhiều người dân qua lại. Chính vì vậy, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập luôn bám sát để chủ động xử lý nếu có sự cố cháy xảy ra.
Xác định được những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như Tiểu khu 21, 26, 27, 28, 29, khu vực dọc theo Quốc lộ 14C, khu vực đường tuần tra biên giới…, Ban Quản lý Vườn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp với chính quyền địa phương giáp ranh chủ động trong mọi tình huống và sẵn sàng thực thi nhiệm vụ nếu có sự cố xảy ra. Trong đó, lực lượng kiểm lâm cơ động thường xuyên kiểm tra đột xuất các trạm, tổ, chốt bảo vệ rừng để nắm tình hình, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời.
Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết để những cánh rừng được bảo vệ tốt nhất, tại các chòi canh lửa hoặc quả đồi cao, những ngày này luôn có nhân viên kiểm lâm trực 24/24 giờ nhằm kịp thời nắm bắt tình hình.
Với phương châm “4 tại chỗ, 4 sẵn sàng,” công việc phòng chống cháy rừng được triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng tới tất cả cán bộ, nhân viên cũng như từng đơn vị trực thuộc để chủ động trong mọi tình huống.
Đơn vị chú trọng việc kiểm tra các hồ chứa nước để chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng; tăng cường công tác tuần tra, cắt cử nhân viên trực tại chòi canh lửa ở khu vực có nguy cơ cháy cao trong giờ cao điểm..., ông Hòa cho biết thêm.
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập hiện cho hơn 300 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Đây chính là “cầu nối” với cán bộ kiểm lâm để thuận lợi trong việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vào rừng.
Ông Điểu Ma Giang ở thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, là một trong những hộ nhận khoán bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập lâu năm.
Ông Điểu Ma Giang chia sẻ: Vào mùa khô, mỗi người trong tổ nhận khoán phải phát dọn đường ranh. Mỗi cộng đồng có nhiệm vụ phát dọn khoảng 6-7 km đường ranh để ngăn lửa nếu xảy ra cháy.
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập gần vùng đệm rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và sản xuất từ lâu đời.
Vì vậy, công tác tuyên truyền đã giúp người dân nâng cao ý thức không để xảy ra vụ cháy nào đáng tiếc, ông Giang cho biết thêm.
Nhiều cánh rừng có các lối mòn, đường rất hẹp, cây cối, dây gai hai bên. Do đó, lực lượng giữ rừng phải dùng dao rựa phát dọn thường xuyên.
Đặc biệt vào mùa khô, những chỗ có nhiều lá khô, nguy cơ cháy cao phải thổi lá, quét dọn sạch sẽ, ngăn ranh giới.
Ngoài công cụ hỗ trợ như máy thổi gió đeo vai, máy bơm chữa cháy, quần áo chữa cháy chuyên dùng, dao, rựa…, lực lượng bảo vệ rừng còn dùng chổi tự làm bằng thân cây lồ ô để quét dọn lá, sau đó sử dụng máy thổi lá để tạo đường băng chia cách lửa cháy.
Hơn 10 năm qua, anh Đinh Văn Phú đã quen với công việc phòng cháy rừng trong mùa khô.
Anh Phú cho biết: “Chúng tôi nhận khoán bảo vệ rừng nên luôn nâng cao cảnh giác cháy rừng, nhất là vào mùa khô hạn. Chúng tôi luôn thay phiên nhau đi tuần tra tại những điểm dễ xảy ra cháy. Nhiều lúc, có nguồn tin người dân báo có người vào rừng, chúng tôi đang ăn cơm phải bỏ dở để ngăn chặn người dân vào rừng mùa khô hạn.”
Là người luôn bám sát với lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng, ông Điểu Chót, Kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Vào mùa khô, nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng là lớn. Vì thế, ban ngày, đơn vị điều động anh em canh gác trực cháy liên tục. Mỗi người đi canh gác một hướng để khi có trường hợp cháy rừng sẽ dễ ứng phó.”
Theo ông Vương Đức Hòa, nhờ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên trong nhiều năm qua, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập không để xảy ra cháy rừng. Nhiều hộ nhận khoán bảo vệ rừng là người địa phương ở đây.
Các cộng đồng này hầu như trực tiếp ở trong rừng cùng với lực lượng Kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng. Đây cũng là thế mạnh trong công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
Có thể thấy rằng nhờ nắm được tình hình thực tế, ngăn chặn người dân xâm nhập vào rừng, tuyên truyền lưu động về công tác phòng chống cháy rừng cho nhân dân các xã vùng đệm đã giúp Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy, không để “giặc lửa” xâm hại nơi được mệnh danh là lá phổi xanh của miền Đông đất đỏ./.