Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam từ góc nhìn quốc tế

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, qua bốn lần thanh tra tại Việt Nam, phía EC luôn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam.

Tàu thuyền được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khai thác thủy sản. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tàu thuyền được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khai thác thủy sản. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với ngành thủy sản Việt Nam vào tháng 10/2017, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để từng bước đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC.

Nỗ lực không ngừng của Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định, đặc biệt là việc tổ chức lại hệ thống kiểm ngư với 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư và việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhằm xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, hiện có 3 điểm khó khăn, tồn tại chính mà Việt Nam cần tập trung thực hiện các khuyến cáo của EC. Thứ nhất, tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai, tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba, Việt Nam còn những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác.

Đánh giá tác động của “thẻ vàng” IUU tới việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang châu Âu, ông James Borton, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins (SAIS), chuyên gia nghiên cứu môi trường an ninh tại Biển Đông, cho biết: “Châu Âu là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, “thẻ vàng” của EC khiến xuất khẩu của Việt Nam sang EU gặp một số khó khăn nhất định, chẳng hạn như việc tăng thêm chi phí giao hàng do phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn và thời gian giao hàng do đó cũng bị kéo dài lâu hơn.”

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản Việt Nam, kể từ khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu vào thị trường EU sụt giảm bình quân 6-10 %/năm.

Nếu trước kia, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản), thì nay đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).

Chuyên gia nghiên cứu an ninh môi trường tại Biển Đông Borton cho biết, hệ thống thẻ của EC là một sáng kiến toàn cầu nhằm hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp.

Việt Nam và nhiều quốc gia khác xuất khẩu thủy sản vào EU đặc biệt lo ngại về nguy cơ bị rút “thẻ đỏ” - mức trừng phạt cao nhất đồng nghĩa với việc sẽ bị cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu thủy hải sản sang EU.

Năm 2023, thông qua hoạt động giám sát chặt chẽ của mình, EC đã cảnh báo 27 quốc gia; trong đó Campuchia bị “thẻ đỏ” và Việt Nam vẫn nằm trong danh mục các nước nhận “thẻ vàng.”

Ông Paul-Antoine Croizé, Chủ tịch Tiểu ban ngành kinh doanh Thực phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham nhấn mạnh việc Việt Nam bị nhận “thẻ vàng” mới chỉ là “tín hiệu cảnh báo,” chứ không phải là “thẻ đỏ.”

Điều đó có nghĩa “thẻ vàng” cảnh cáo này không tác động trực tiếp đến việc hạn chế tiếp cận thị trường của Việt Nam, cũng như không có những ảnh hưởng trực tiếp về mặt tài chính đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, việc bị áp “thẻ vàng” khiến các mặt hàng của Việt Nam bị giám sát chặt chẽ hơn khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và tạo ra một số phức tạp nhất định đối với các nhà nhập khẩu châu Âu trong việc kiểm định hàng hóa. Điều này cũng gián tiếp khiến các nhà sản xuất thủy sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Ông Borton cho hay năm 2024 được coi là năm then chốt đối với Việt Nam trong việc được công nhận là một quốc gia cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

“Đảm bảo tuân thủ các quy định chống IUU đòi hỏi sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm các ngư dân, cộng đồng dân cư ven biển và toàn bộ công chúng nói chung,” chuyên gia Borton nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho đợt kiểm tra sắp tới của đoàn EC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản). Điều này cho thấy, quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu.

Ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Chỉ thị huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU.

Các địa phương trên cả nước cũng đang nỗ lực tăng cường các biện pháp đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động cho các tàu cá nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm liên quan đến IUU. Ví dụ, tỉnh Kiên Giang, nơi có đội tàu cá lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp phép cho hơn 7.000 tàu cá. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong số này, hơn 3.600 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên đã được trang bị Hệ thống giám sát tàu cá (VMS).

Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong những địa phương được EC chọn để thanh tra vào năm 2023, đã tổ chức hội nghị Sơ kết đánh giá tình hình thực hiện công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vào đầu tháng 7/2024. Báo cáo tại hội nghị, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính đến nay toàn bộ số tàu cá đã đăng ký được cập nhật 100% về cơ sở dữ liệu quốc gia. Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt trên 97%, đã cấp phép khai thác đạt hơn 75%.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục chứng minh những nỗ lực của mình trong việc chống đánh bắt IUU, tiến tới gỡ “thẻ vàng” sớm nhất có thể. Đây không chỉ là vấn đề thực hiện nghiêm Luật Thủy sản năm 2017 mà còn là vấn đề bảo vệ an ninh bờ biển và an toàn hệ sinh thái biển.

EC ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, qua bốn lần thanh tra tại Việt Nam, phía EC luôn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đoàn cũng đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và sự chỉ đạo rất sát sao từ Trung ương đến các cấp địa phương của Việt Nam.

1208IUU.jpg
Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá của ngư dân Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, đợt thanh tra sắp tới của EC dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024 sẽ tiếp tục là một cơ hội để Việt Nam chứng minh cam kết chính trị mạnh mẽ của mình từ cấp Trung ương đến địa phương, cũng như việc thực hiện một cách nghiêm túc các giải pháp để chống lại hoạt động đánh bắt IUU. Vấn đề mấu chốt là làm sao Việt Nam có thể chứng minh cho EC thấy nỗ lực của Việt Nam không chỉ dừng ở việc hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, mà còn thể hiện bằng sự thi hành thực chất, hiệu quả trên các địa phương.

Chuyên gia James Borton, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Đối ngoại thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao Paul H. Nitze (SAIS) của Đại học Johns Hopkins, nghiên cứu về tình hình an ninh môi trường tại Biển Đông khẳng định: “Chính quyền Việt Nam đã thể hiện sự thiện ý và sẵn sàng tăng cường các khuôn khổ pháp lý, cũng như cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong việc kinh doanh các sản phẩm thủy hải sản. Những cam kết này cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác để giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến IUU.”

Theo ông Borton, ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam, cho nên việc bị áp “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang châu Âu.

Do đó, Việt Nam đã khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU, quản lý chặt chẽ việc khai thác hải sản ở các vùng biển của mình, đặc biệt khi mà Biển Đông - một trong những ngư trường lớn nhất thế giới - hiện đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn cá.

Vì vậy, là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực để củng cố các khuôn khổ pháp lý, nâng cao việc truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch của các sản phẩm thủy hải sản, chuyên gia nghiên cứu về môi trường an ninh tại Biển Đông nhấn mạnh.

Cụ thể, Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp để chống đánh bắt IUU, bao gồm lắp đặt hệ thống giám sát hành trình (VMS) cho các tàu cá, hợp tác với các nước Đông Nam Á khác và các tổ chức xuyên quốc gia, tham gia vào Hiệp định Liên Hợp Quốc về thực thi các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 liên quan đến bảo tồn, quản lý các đàn cá lưỡng cư và di cư xa (UN Fish Stocks Agreement - UNFSA) và Hiệp định về biện pháp các quốc gia có cảng (Agreement on Port State Measures - PSMA).

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề khai thác IUU mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới đang gặp phải đó là chưa có đủ công nghệ tiên tiến cũng như năng lực để giải quyết các hành vi vi phạm một cách triệt để.

Đối với Việt Nam, điều này càng trở nên đặc biệt khó khăn vì Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.000 km, 28 trên tổng số 63 địa phương có đường biển, cùng với số lượng tàu cá rất lớn và hàng triệu ngư dân, cho nên việc thực thi các quy định và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về hoạt động của các tàu cá là điều không hề dễ dàng.

Ông Stephen Nagy, Giám đốc Nghiên cứu Chính sách của Hội đồng Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương Yokosuka (YCAPS) cho biết: “Chúng ta có thể thấy một vấn đề tồn tại là một số tàu tham gia vào hoạt động đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là việc họ tự ý tắt các thiết bị hệ thống giám sát hành trình (VMS) để hoạt động lén lút, tránh bị phát hiện.

Đó là lý do tại sao chúng ta gọi đó là những 'tàu tắt đèn' (dark vessel). Chừng nào tình trạng này còn tiếp diễn, sẽ rất khó để bảo vệ và duy trì các nguồn tài nguyên biển cho các thế hệ tương lai.”

Do đó, việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến có thể giúp xác định các tàu tự ý tắt thiết bị VMS là rất cần thiết. Các quốc gia như Việt Nam cần có sự hỗ trợ về công nghệ từ các nước phát triển trong và ngoài khu vực.

Ví dụ, Canada đã trợ giúp Philippines lắp đặt hệ thống phát hiện tàu tắt đèn (dark vessel technology) để theo dõi ngư dân, tàu cá đánh bắt bất hợp pháp ngay cả khi họ tắt thiết bị định vị của mình.

Điều này đã góp phần vào việc giúp Philippines xóa bỏ thành công “thẻ vàng” của EC. Đây có thể sẽ là một lĩnh vực hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Canada, ông Nagy cho biết.

Đồng ý kiến với ông Nagy, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham phụ trách chính sách, ghi nhận những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong việc xây dựng và tăng cường thực thi các khuôn khổ pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề “thẻ vàng” của Việt Nam vẫn tồn tại một phần là vì những hạn chế về mặt nhân sự và khả năng thực thi pháp luật, đặc biệt là việc sử dụng các thiết bị giám sát hành trình của tàu cá. Việt Nam cần thực hiện các giải pháp để đảm bảo các thiết bị này được sử dụng một cách liên tục và hiệu quả.

Việc nâng cao nhận thức của ngư dân và cả những người tiêu dùng sản phẩm thủy sản cũng vô cùng quan trọng trong việc góp phần giảm thiểu, ngăn chặn các hành vi đánh bắt IUU, ông Bouflet nhấn mạnh.

Bà Rhea Moss-Christian, Giám đốc điều hành Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) nhận định việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực quản lý phát triển nghề cá bền vững, đe dọa hệ sinh thái biển, sinh kế cũng như an ninh lương thực của cộng đồng, đặc biệt là ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các vùng lãnh thổ ở Tây Thái Bình Dương.

Bà Rhea Moss-Christian cho biết Việt Nam đang hợp tác với WCPFC và có những đóng góp nhất định vào việc hỗ trợ quản lý bền vững các đàn cá di cư xa theo phạm vi của Công ước WCPFC, thông qua các hoạt động hợp tác xuyên quốc gia và tiểu vùng ở Biển Tây Thái Bình Dương và Biển Đông Á.

Từ năm 2009, Việt Nam là một trong ba quốc gia tham gia Dự án Quản lý nghề khai thác cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á (WPEA-ITM) của WCPFC. Dự án này đã trực tiếp giúp cải thiện việc thu thập dữ liệu nghề cá và giải quyết những khoảng trống trong việc cập nhật những dữ liệu quan trọng liên quan đến đánh giá trữ lượng cá ngừ nhiệt đới.

Chia sẻ những thông tin liên quan đến Hội thảo khu vực về chống khai thác (IUU) diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 4/2024, Giám đốc điều hành WCPPC cho biết các chuyên gia quốc tế đến từ 12 quốc gia bao gồm Australia, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Vương quốc Anh, Mỹ và Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến chống đánh bắt IUU.

Thông qua Hội thảo, Việt Nam đã giới thiệu các biện pháp phòng, chống đánh bắt IUU, bao gồm công tác kiểm tra Nhà nước cảng biển, giúp hỗ trợ những nỗ lực chung trong việc chống khai thác IUU ở Biển Tây Thái Bình Dương và Biển Đông Á.

Cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan

Giám đốc điều hành WCPFC nhấn mạnh một số yếu tố chính giúp các quốc gia chống lại đánh bắt IUU hiệu quả, bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cho các thế hệ tương lai.

ttxvn_2006_kien giang IUU (1).jpg
Bộ đội Trạm kiểm soát Biên phòng Pháo Đài, thành phố Hà Tiên kiểm tra, giám sát hành trình tàu cá. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Đó là sự phối hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành; sự hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia, thanh tra cảng và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực; sự hợp tác với các nước láng giềng để chia sẻ các thông lệ tốt nhất về cách tiếp cận chống đánh bắt IUU và trao đổi thông tin về các mối đe dọa trên biển.

Phó Chủ tịch EuroCham phụ trách chính sách Jean-Jacques Bouflet cho biết EuroCham sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến việc cải thiện giám sát truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và phát triển bền vững, đồng thời mong muốn hợp tác và tham gia tích cực hơn với các bên liên quan như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) để đảm bảo rằng các thành viên của VASEP khi thu mua các sản phẩm để tái xuất khẩu sang châu Âu, họ có thể tự rà soát lại nguồn gốc của các sản phẩm đó có được khai thác hợp pháp hay không.

Trong tháng 10/2024, EuroCham sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm trao đổi những biện pháp giúp phát triển nghề cá một cách bền vững.

Trong khi đó, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao Paul H. Nitze (SAIS) của Đại học Johns Hopkins, James Borton, gợi ý rằng Việt Nam có thể một lần nữa đi đầu trong việc dẫn dắt các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của các Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực (RFMO) và các nước láng giềng trong khu vực tổ chức các hội thảo nhằm chia sẻ các thông lệ tốt nhất trong quản lý phát triển nghề cá bền vững.

Ông Borton nhấn mạnh phát triển ngành thủy sản là ưu tiên hàng đầu để các nước ASEAN đẩy mạnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Đã đến lúc các quốc gia Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam, cần đổi mới trọng tâm phát triển, trong Kế hoạch Hành động Chiến lược về Hợp tác Nghề cá ASEAN 2021-2025.

Xét cho cùng, việc chống khai thác, đánh bắt IUU đòi hỏi sự tham gia nỗ lực chung của tất cả các bên, đặc biệt là ý thức của ngư dân và cộng đồng nghề cá nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.