Nỗ lực thực thi cam kết Hiệp định tạo thuận lợi thương mại

Nỗ lực thực thi cam kết Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO

Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo phân nhóm các cam kết của Việt Nam theo Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO tại Lào Cai.
Nỗ lực thực thi cam kết Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO ảnh 1Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Từ ngày 18-20/5, tại Lào Cai, Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo phân nhóm các cam kết B, C của Việt Nam theo Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Chính phủ, lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Khoa học Công nghệ, Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Khai mạc hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO được bắt đầu đàm phán từ năm 2004 và thông qua Nghị định thư sửa đổi vào tháng 11/2014, với sự tham gia của 161 quốc gia thành viên. Qua đó, ràng buộc các đối tác thương mại cam kết thực thi các cơ chế giải quyết tranh chấp và áp dụng cho tất cả các cơ quan quản lý biên giới.

Mục tiêu hướng tới của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO nhằm xúc tiến việc vận chuyển, thông quan hàng hóa; đẩy mạnh hợp tác giữa hải quan và các cơ quan khác, đồng thời nâng cao hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự tính, khi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO được triển khai, sẽ giúp giảm tổng chi phí thương mại khoảng 14,5% đối với các quốc gia thu nhập thấp; 15% đối với các quốc gia thu nhập trung bình thấp và 13,2% đối với các quốc gia thu nhập cao hơn trung bình.

Đánh giá về lợi ích quốc gia, ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan nhận định, ngoài việc giảm chi phí thương mại, chính phủ các nước còn có thêm nhiều cơ hội tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Nhờ có việc thực thi các cam kết theo Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi thương mại của WTO sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí trong thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa; tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động và mở rộng thị trường….

Theo ông Peter Bennett, Cố vấn về tạo thuận lợi thương mại của dự án GIG (USAID), mỗi quốc gia thành viên sẽ thực hiện các quy định và cam kết thực thi Hiệp định theo những cách khác nhau tùy thuộc vào đặc thù của nền kinh tế.

Chương trình của Tổ chức USAID tham gia vào việc hướng dẫn, hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển đánh giá nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cũng như các ưu tiên trong việc thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Ông Bennett cũng chỉ ra rằng, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO có 37 điều khoản, được phân định Nhóm A gồm các biện pháp mà các quốc gia thành viên sẽ thực hiện khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng đối với các nước kém phát triển có thể được gia hạn thời gian thêm 1 năm.

Nhóm B là các biện pháp mà các nước thành viên cần thời gian để thực hiện. Nhóm C là các biện pháp mà các nước thành viên không chỉ cần thời gian, mà còn cả các hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực để thực hiện Hiệp định.

Đánh giá sơ bộ những nỗ lực thực thi các cam kết theo Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO, theo ông Toàn, Việt Nam đã thực hiện 15 biện pháp/cam kết thuộc Nhóm A và gửi báo cáo tới Ban thư ký WTO, đồng thời xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Hiệp định cũng như tìm kiếm các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. Việt Nam đang tiến hành các bước chuẩn bị lập Ủy ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia hoặc một cơ chế tương đương theo yêu cầu của Hiệp định.

Liên quan tới Nhóm B và C gồm khoản 23 điều khoản và biện pháp như công bố thông tin, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp ưu tiên, cảnh báo nhập khẩu, quy định về xử phạt, thanh toán điện tử, quản lý rủi ro, phối hợp của cơ quan quản lý biên giới, hợp tác hải quan…, các cơ quan chuyên ngành có liên quan Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ… đang tiếp tục rà soát, phân nhóm, đồng thời nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ phê duyệt Nghị định thư để thông báo cho WTO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.