Xóa đói, giảm nghèo là quyết tâm của Việt Nam suốt chặng đường 76 năm qua, đặc biệt là sau hơn ba thập kỷ đổi mới.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm dần theo từng năm nhưng công cuộc giảm nghèo vẫn trăn trở với nhiều thách thức lớn, nhất là từ những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt các chủ trương, chiến lược về xóa đói giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền núi với miền xuôi.
Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc được sự đầu tư từ Trung ương xuống địa phương đã có những thay đổi rõ rệt. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu.
Quyết tâm giảm nghèo đó đã được hiện thực hóa thành những “con số biết nói.” Đó là năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam còn tới 58,1% nhưng đến năm 2015 đã giảm xuống còn 9,88%. Tới năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ là 3,75% và năm 2020 còn 2,75%.
Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong những năm gần đây như huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai giảm 40,66%; huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai giảm 39,96%; huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái giảm 34,51%; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giảm 33,52%.
Thành tựu đó góp phần quan trọng vào điều đặc biệt, năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả.
Không khó để nhận thấy giảm nghèo không chỉ là ý chí của hệ thống chính trị mà đã trở thành suy nghĩ của phần lớn các hộ nghèo.
Việc hơn 8 triệu người thoát nghèo và cận nghèo; thu nhập bình quân của người nghèo đến cuối năm 2019 đã tăng 1,6 lần so với trước đó đã cho thấy, “thoát nghèo” trở thành phong trào toàn dân.
Trong cộng đồng xuất hiện nhiều tấm gương sáng nổi bật về thoát nghèo như trường hợp cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; 51 hộ ở vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái...
Đánh giá về những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua.
Bà Caitlin Wiesen cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói và giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo một cách toàn diện hơn và ở nhiều khía cạnh hơn không chỉ cải thiện thu nhập.
Báo cáo cập nhật Phát triển con người và Nghèo đa chiều của UNDP năm 2019 cho thấy Việt Nam đứng thứ 29 trong số 102 quốc gia về chỉ số nghèo đa chiều và nằm trong số các quốc gia có thành tích cao nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương về chỉ số này.
[Chuyển khó khăn thành cơ hội để phát triển kinh tế miền núi]
Dù đạt được nhiều thành tựu song thẳng thắn nhìn nhận, kết quả giảm nghèo ở Việt Nam chưa thật sự bền vững.
Vẫn còn đó nhiều trăn trở lớn, đó là tình trạng tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời.
Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.
Đấy là chưa kể trong thực tiễn, tình trạng trục lợi chính sách xóa đói giảm nghèo vẫn diễn ra ở một số nơi khiến cho cơ hội thoát nghèo của người nghèo ít đi, dù có chính sách tốt…
Đánh giá về công tác xóa đói giảm nghèo của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cũng cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững tại một số địa phương, tỷ lệ tái nghèo trong bốn năm 2016-2019 bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chênh lệch giàu-nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên…
Trước tình hình trên, để đáp ứng nguyện vọng thoát nghèo của các "vùng lõi nghèo" trên toàn quốc, Đảng, Nhà nước đang đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, với mục tiêu không chỉ đảm bảo thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông...
Trên cơ sở phương pháp tiếp cận mới, các chính sách và Chương trình giảm nghèo đã từng bước được thiết kế lại nhằm tạo điều kiện để người dân nói chung, người nghèo nói riêng tiếp cận thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản theo quy định của pháp luật.
Chương trình đã hướng tới việc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cơ sở, người dân, phát huy vai trò của cộng đồng, khuyến khích các sáng kiến giảm nghèo bền vững do cộng đồng đề xuất, thực hiện, nhất là đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2016-2020, dù Việt Nam gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội, đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN.
Đặc biệt, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó chú trọng tới người nghèo, lao động thiếu việc làm.
Động lực thoát nghèo càng mạnh mẽ hơn khi mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 75.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn tới có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc.
Đối tượng của chương trình này còn bao gồm các đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, trong đó có những người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, người nghèo ở nông thôn và thành thị./.