Trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, xe đạp điện và scooter không thực sự được ưa chuộng, nhưng xu hướng này đã thực sự thay đổi cùng diễn biến dịch bệnh phức tạp tại nhiều nước.
Một số doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan đến các phương tiện di chuyển nhỏ gọn như xe đạp điện và scooter, vốn phải thu hẹp quy mô hoạt động hoặc đóng cửa trong thời gian áp lệnh phong tỏa, nay lại đang mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp điện hoặc scooter như Lime, Bird và Spin đang ghi nhận doanh số tăng trưởng mạnh tại các thành phố trên khắp thế giới, bất chấp việc ngành du lịch gần như phải đóng cửa, khi người dân có xu hướng chuyển sang dùng các phương tiện linh hoạt này để di chuyển.
[Xe đạp "lên ngôi" ở nhiều nước trong đại dịch COVID-19]
Giám đốc chính sách của Lime David Spielfogel cho biết người dân đang ngày càng có xu hướng sử dụng các phương tiện di chuyển ngoài trời vừa đảm bảo được duy trì giãn cách xã hội. Theo ông, giới chức nhiều thành phố cũng đang ủng hộ ý tưởng này.
Trước đó, người dân chỉ coi xe đạp và scooter điện là phương tiện phổ biến cho du khách, song giờ đây nó đã trở thành phương tiện thiết yếu trong hệ thống giao thông. Dự báo nhu cầu các phương tiện này sẽ tăng mạnh trong giai đoạn hậu đại dịch.
Lime hiện đang cung cấp dịch vụ chia sẻ xe tại hơn 100 thành phố trên khắp thế giới.
Hãng đã đồng ý mua lại mảng cung cấp dịch vụ gọi xe đạp và scooter của Uber Jump, khi dự báo nhu cầu các phương tiện này sẽ tăng vọt tại nhiều thành phố như Paris (Pháp), Washington, Oklahoma (Mỹ), Tel Aviv (Israel), và Zurich (Thụy Sĩ).
Trong khi đó, hãng Spin mới đây đã công bố kế hoạch cung cấp dịch vụ chia sẻ xe scooter điện tại Cologne cùng nhiều thành phố khác ở Đức, tiếp đó sẽ mở rộng ra các thành phố ở Mỹ, trong đó có Atlanta.
Spin cho biết mức độ sử dụng dịch vụ đã tăng khoảng 30% kể từ tháng Tư, khi thời gian khách hàng sử dụng scooter đã dài hơn.
Euwyn Poon, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập công ty Spin, khẳng định scooter đang được tận dụng nhiều hơn bao giờ hết, thay vì chỉ đơn thuần giải trí như trước đây.
Về phần mình, Bird cho hay số khách hàng tại Bắc Mỹ đang tăng gấp đôi so với trước khi đại dịch bùng phát. Tại nhiều nơi trên thế giới, số người thử dùng xe đạp điện và scooter lần đầu tiên đang ngày càng tăng.
Trước khi đại dịch bùng phát, một số quan chức địa phương đã phản đối việc để xe đạp và scooter bừa bãi, gây cản trở lối đi cho khách bộ hành. Tuy nhiên, đại dịch đã thay đổi cách nhìn này, khi nhiều cộng đồng đang cân nhắc sử dụng xe đạp và scooter điện như một chiến lược quan trọng để duy trì giãn cách xã hội khi kinh tế mở cửa trở lại.
Xe đạp truyền thống cũng đang giành lại sức hút tại nhiều khu vực đô thị, khi có thêm nhiều làn đường dành riêng cho phương tiện này.
Annie Chang, người đứng đầu Hiệp hội Kỹ sư chuyên thiết kế các phương tiện di chuyển nhỏ gọn SAE cho rằng người dân đã bắt đầu nhận thức được giá trị của những phương tiện này và giá trị này sẽ tăng lên khi công nghệ được nâng cấp. Nếu không có phương án mới, nguy cơ tắc đường do ô tô tại nhiều thành phố sẽ tăng lên.
Trong khi đó, Giám đốc Liên minh Numo, tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các phương tiện di chuyển nhỏ gọn trong nội thành, Harriet Tregoning đánh giá mô hình kinh tế cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp điện vẫn rất ảm đạm. Theo bà, các dịch vụ này sẽ có giá trị hơn nếu được tích hợp hệ thống vận tải.
Điều này có thể được thực hiện thông qua việc phối hợp với các đơn vị vận tải, để đưa dịch vụ đến với các khu vực hạ tầng còn kém, qua đó mở ra triển vọng cung cấp gói dịch vụ cho các viên chức.
Nhà phân tích công nghệ Richard Windsor nhận định các xe đạp điện là phương án thay thế hiệu quả trong hoạt động giao thông công cộng. Sự hỗ trợ của động cơ điện sẽ khiến việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn cho người không quen vận động nhiều hoặc không muốn đến văn phòng với tình trạng toàn thân đẫm mồ hôi.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng các dấu hiệu hiện nay cho thấy người dân có xu hướng sở hữu các phương tiện này, thay vì chia sẻ./.