Nợ xấu: Mua dễ, bán khó do thiếu hành lang pháp lý

Vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu của VAMC hiện nay là từ hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ.
Nợ xấu: Mua dễ, bán khó do thiếu hành lang pháp lý ảnh 1Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Chiều 11/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 7 tháng và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016 với nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm như lãi suất, xử lý nợ xấu...

Mới xử lý được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu

Điểm lại tình hình chính sách tiền tệ những tháng đầu năm, ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng hợp lý, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ ổn định tỷ giá và việc phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Tính đến ngày 29/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so với cuối năm 2015. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước.

Về tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho hay, tín dụng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Đến ngày 29/7, tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực được triển khai có hiệu quả bằng nguồn lực của Ngân hàng Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đến cuối tháng Sáu, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Theo dữ liệu do các tổ chức tín dụng và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm đạt 59.710 tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC 8.880 tỷ đồng; khách trả nợ 30.980 tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu 7.240 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo, ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, hiện VAMC vẫn đang nỗ lực giải quyết nợ xấu và lũy kế đến nay thu hồi được khoảng 34.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 15% khối lượng nợ mua vào. Tốc độ thu hồi nợ luôn tăng qua từng năm. Nếu như năm 2014, VAMC chỉ thu được 5.000 tỷ đồng, thì đến năm 2015 đã thu được 12.000 tỷ đồng và cập nhật đến thời điểm này của năm 2016 thì đã thu được 11.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch của VAMC năm 2016 sẽ mua vào khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận, vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu của VAMC hiện nay là từ hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ. Theo quy định, việc bán nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện bán nợ cho các đơn vị có chức năng kinh doanh nợ xấu. Điều này là một hạn chế cho VAMC.

Ông Thắng lý giải, việc bán nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước thì theo các quy định hiện hành, VAMC chỉ được phép bán nợ xấu cho các đơn vị có chức năng mua bán nợ xấu. Điều này hạn chế khá nhiều, hoạt động bán nợ xấu ra thị trường của VAMC.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được mua bán nợ phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng. Đây là cũng là một trở ngại. Vì thế, dù VAMC có thể mua được nợ xấu nhưng để bán nợ xấu đó ra cũng là một khó khăn.

Ông Thắng chia sẻ: “Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Hy vọng trong thời gian tới khi Nghị định này đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nợ xấu sẽ phát triển.”

Lãi suất vẫn là tâm điểm

Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể giảm hơn được không? Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan điều hành sẽ cố gắng phấn đấu để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Bà Hồng cho biết ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại thì việc điều hành lãi suất ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức.

Vào thời điểm đầu năm, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tăng lên. Với diễn biến này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát thị trường và điều tiết đưa tiền ra, hút tiền về để làm sao điều tiết thanh khoản toàn hệ thống có dư thừa hợp lý, duy trì mức lãi suất hợp lý. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất ở mức phù hợp nhằm ngăn chặn các ngân hàng sẽ không quay ra huy động thị trường 1 để đẩy lãi suất tăng lên.

Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng được Phó Thống đốc lý giải là do tác động tâm lý từ dự thảo Thông tư 36, sau đó Ngân hàng Nhà nước đã ban hành sửa đổi Thông tư 36 giúp giải tỏa tâm lý, áp lực về lãi suất.

Bà Hồng cho biết thêm, từ tháng Tư, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn. Đồng thời, đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ cố gắng ổn định lãi suất thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các chỉ thị các tổ chức tín dụng tiết giảm các chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Một số câu hỏi liên quan đến tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Bà Hồng cho rằng, đây là một trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua. Đây cũng là quá trình thường xuyên liên tục và luôn bám sát tình hình hoạt động của những tổ chức tín dụng đã hợp nhất, sáp nhập.

Còn các tổ chức tín dụng bình thường thì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tự tái cơ cấu, tổ chức chỉ đạo qua các chỉ thị, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước qua các cuộc họp và bản thân các tổ chức tín dụng cũng đã quán triệt cân đối nguồn vốn đảm bảo quản trị rủi ro, mở rộng tín dụng./.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.