Một ngày xuân mới như vẫn còn đương sắc, mồng một tháng Hai Đinh Dậu đã được họa sỹ Lê Thiết Cương và nhà thơ Trần Tiến Dũng chọn để ra mắt cuốn sách Nơi chốn đi và về.”
Nơi chốn đi và về,”dày 140 trang do công ty Phương Nam xuất bản và phát hành ( Nhà xuất bản Hội nhà văn) với 24 bài tùy bút chia làm hai phần.
Xuyên suốt mỗi bài là một câu chuyện, kể về những kỉ niệm từ một chuyến đi cụ thể, một gương mặt cụ thể họ đã gặp. Từ “nơi chốn” thực “đi, về” để nói, gợi lên một “nơi chốn đi, về” khác cũng thực nhưng dường như ít được con người ghi nhớ, đó là nơi “chốn của lòng mình”, “đi, về” lòng mình. “Đi để về, đi mà về, đi là về” chính mình.
Trong phần của mình ở “Nơi chốn đi và về” Cương có 13 câu chuyện. Không, đúng hơn là rất nhiều câu chuyện, rất nhiều gửi gắm, rất nhiều ký ức thậm chí cả ẩn ức... trong những địa danh mà tại buổi ra mắt sách, anh có nói rằng, anh không làm dư địa chí.
Thật vậy, Cương không làm dư địa chí, anh chỉ giữ lại cái hồn của đất, của người, giữ lại một nét văn hóa, lịch sử... đã đang mai một bởi thời gian. Anh đã nhớ, và giúp người khác cùng nhớ.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Cả hai đều kể về những "nơi chốn đi và về" của họ nhưng mỗi người lại mang đến một cách kể riêng biệt của mình.”
Cách kể của nhà thơ Trần Tiến Dũng giống như “cách nở của bông hoa là mở ra từng cánh, để cuối cùng… làm đầy bông hoa." Còn “cách kể của họa sĩ Lê Thiết Cương chính là chặng đường của một bông hoa đi đến cái hạt.”
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì lại có một cái nhìn khá đặc biệt theo thuyết âm-dương. Ông cho rằng, văn xuôi của Lê Thiết Cương chứa đầy chất "âm," gần với thơ, còn văn xuôi của Trần Tiến Dũng mang đầy chất "dương” gần với phóng sự. Chính sự kết hợp của hai chiều âm dương được tỏa về hai phía này khiến người đọc sẽ có nhiều dư âm, cả những suy tư, những hoan nhiên và những dấu hỏi mà tự mỗi người tìm thấy và phải tự trả lời.../.